Kết hôn giả tạo
Luật Hôn nhân và gia đình nghiêm cấm các hành vi (theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình):
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
- Yêu sách của cải trong kết hôn;
- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
- Bạo lực gia đình;
- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ: Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Như vậy, nếu có căn cứ rõ ràng rằng chị dâu bạn có hành vi kết hôn giả tạo (là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình) hoặc lừa dối kết hôn thì gia đình bạn có thể gửi đơn tố cáo tới tòa án nhân dân có thẩm quyền để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình của chị dâu bạn và yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.
Thư Viện Pháp Luật