Không thực hiện văn bản thỏa thuận
Giữa mẹ bạn và người con của dì bạn đã có thỏa thuận về việc phân chia phần tài sản thừa kế là 100m2 đất cũng như việc con của dì bạn phải rút đơn khởi kiện, giao cho mẹ bạn số tiền là 30 triệu đồng. Thỏa thuận này đã được hai bên lập thành văn bản.
Sau khi văn bản thỏa thuận này được hai bên ký kết thì giữa mẹ bạn và người con của dì bản có thỏa thuận bằng miệng về thời gian thực hiện nghĩa vụ của hai bên. Căn cứ theo quy định tại Điều 423 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó”. Như vậy, việc mẹ bạn và người con của dì bạn muốn thỏa thuận về thời gian thực hiện thỏa thuận của hai bên thì việc thỏa thuận bổ sung này cũng phải được lập thành văn bản. Thỏa thuận bằng miệng như vậy không phù hợp với quy định của pháp luật.
Do hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản nên các bên phải thực hiện theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật. Điều 412 Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau:
- Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;
- Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;
- Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác
Như vậy, khi đã thỏa thuận thì mẹ bạn phải có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp mẹ bạn không thực hiện thỏa thuận mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của con của dì bạn thì người đó hoàn toàn có quyền khởi kiện mẹ bạn đến Tòa án có thẩm quyền.
Thư Viện Pháp Luật