Giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (người được giám hộ). Theo quy định tại Ðiều 62 Bộ luật Dân sự, người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
- Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
- Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.
- Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Căn cứ quy định trên thì bạn và anh/chị/em của bà ngoại bạn đều không phải là người giám hộ đương nhiên của bà ngoại bạn khi bà mất năng lực hành vi dân sự. Cũng theo các thông tin bạn cung cấp (bố, mẹ và chồng bà ngoại đã mất, bà ngoại có duy nhất một người con là mẹ của bạn nhưng cũng đã mất sớm) thì bà ngoại bạn không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của bà ngoại bạn sẽ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ (Điều 63 Bộ luật Dân sự). Thủ tục cử người giám hộ được quy định tại Điều 64 Bộ luật Dân sự:
- Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
- Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
Thư Viện Pháp Luật