Tên chủ sử dụng đất khác tên ghi trên chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu
Theo thông tin bạn cung cấp, giấy tờ của bạn (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) ghi hai tên khác nhau là Hoàng A Lò và Hoàng Văn Lò. Vậy, bạn có hai tên hay chỉ có một trong hai tên là tên của bạn?
1. Nếu bạn có hai tên
Bạn phải xuất trình giấy tờ chứng minh bạn có hai tên (ví dụ: giấy khai sinh, chứng minh nhân dân ghi hai tên, hoặc sổ hộ khẩu ghi thêm mục “bí danh (tên thường gọi)). Trong trường hợp này, bạn không cần đính chính tên chủ sử dụng đất trước khi đăng ký thế chấp, mà có thể tiến hành ngay thủ tục đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
2. Nếu bạn chỉ có một tên
Trong trường hợp này, bạn cần xác định tên Hoàng A Lò hay tên Hoàng Văn Lò là đúng. Tên chính xác của bạn được ghi trên Giấy khai sinh của bạn.
Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”. Nên, tên của bạn được ghi trên tất cả các giấy tờ (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hay giấy chứng nhận quyền sử dụng... của bạn) đều phải ghi đúng với tên ghi trên giấy khai sinh.
Sau khi kiểm tra giấy khai sinh của bạn sẽ có hai trường hợp:
- Trường hợp thứ nhất: Tên trên chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu (Hoàng Văn Lò) là tên sai: Bạn phải làm thủ tục cấp lại chứng minh nhân dân và đính chính tên trên sổ hộ khẩu.
- Trường hợp thứ hai: Tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Hoàng A Lò) là tên sai: Bạn phải làm thủ tục đính chính thông tin về tên gọi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp. Sau khi đính chính tên trên giấy chứng nhận, bạn tiến hành thủ tục đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.
Thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 86 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai:
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
- Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
- Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn đã cũ, rách thì bạn có thể làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận theo hướng dẫn tại Điều 76 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai:
- Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận.
- Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
+ Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận;
+ Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
+ Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thư Viện Pháp Luật