Thủ tục tách thửa và phân chia quyền sử dụng đất

Gia đình tôi có 1 thửa đất của ông bà để lại. Mẹ tôi được chia 1 thửa diện tích 5*30m2, kế bên là của dì tôi 5*30m2 và cậu tôi 10*30m2. Hiện tại 3 thửa đất đó có chung 1 giấy chứng nhận do ba người đứng tên. Nếu mẹ tôi mua lại đất của dì tôi thì mẹ tôi và cậu tôi có thể tách thửa để mỗi người đứng tên phần đất của mình được không, làm như thế nào? Nếu mẹ tôi có phần diện tích đất ở là (10*15m2) thì có thể tách một nửa cho tôi được không?

1. Tách thửa đất thành hai phần

Nếu mẹ bạn muốn nhận phần diện tích của dì bạn, đồng thời tách thửa đất thành hai phần để xin cấp giấy chứng nhận cho hai người (mẹ và cậu bạn) thì ba người (mẹ, dì và cậu bạn) có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung. Nội dung văn bản thỏa thuận có thể nêu rõ: mẹ bạn được nhận phần diện tích là… (trong đó có phần của mẹ bạn và dì bạn); cậu bạn nhận phần diện tích là…; và mẹ bạn có trách nhiệm thanh toán cho dì bạn số tiền là:….

Sau khi lập văn bản thỏa thuận, mẹ bạn và cậu bạn có thể thực hiện thủ tục phân chia tài sản đồng thời với thủ tục tách thửa đất theo hướng dẫn tại Điều 145 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai như sau:

* Hồ sơ tách thửa gồm có:

- Đơn xin tách thửa;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung.

* Thủ tục:

- Nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường;

- Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc để chuẩn bị hồ sơ địa chính;

- Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính và gửi đến cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp;

- Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét và ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới;

- Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét, ký và gửi cho cơ quan tài nguyên và môi trường trực thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mớ;

- Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày giấy chứng nhận được ký, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm trao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất mới cho người sử dụng đất.

2. Mẹ bạn tách phần đất diện tích (10*15m2) cho bạn một nửa

Mẹ bạn có thể làm thủ tục chuyển quyền/tặng cho quyền sử dụng đất cho bạn theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện thủ tục chuyển quyền cần tuân thủ điều kiện quy định tại Điều 106 Luật Đất đai:

- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài ra, khi thực hiện thủ tục chuyển quyền một phần thửa đất (cũng như khi mẹ và cậu bạn thực hiện thủ tục tách thửa như nêu trên) thì các bên phải tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện tách thửa (theo Điều 17 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính Phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai). Điều kiện tách thửa chính là quy định về kích thước tối thiểu (chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) và diện tích tối thiểu của thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại sau khi tách thửa. Điều kiện này được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng địa phương và từng loại đất. Bạn có thể tìm hiểu quy định này thông qua các văn bản đã được UBND cấp tỉnh nơi có bất động sản mà bạn nhận chuyển nhượng ban hành hoặc đến trực tiếp cơ quan địa chính địa phương để hỏi rõ.

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quyền sử dụng đất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào