Truy cứu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại khi trộm cắp tài sản
1. Theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật hình sự thì người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, giá trị tài sản mà anh trai bạn trộm cắp đã được định giá là 26 triệu đồng, do vậy, hành vi của anh trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật hình sự.
2. Theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự thì những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Tội trộm cắp tài sản tại Điều 138 của Bộ luật hình sự không thuộc các tội phạm được liệt kê tại Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự, do vậy cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự mà không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Trường hợp ông chủ của anh trai bạn rút đơn tố cáo thì anh trai bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp gia đình bạn bồi thường thiệt hại cho ông chủ của anh trai bạn thì anh trai bạn sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự là “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”. Theo quy định tại Điều 45 của Bộ luật hình sự thì khi quyết định hình phạt, Toà án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt.
Thư Viện Pháp Luật