Xâm phạm danh dự nhân phẩm
Theo tinh thần của Điều 604 về Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại và được hướng dẫn tại mục 1 phần I của Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về BTTH ngoài hợp đồng thì có 4 căn cứ phát sinh:
1.1. Phải có thiệt hại thực tế xảy ra
BTTH chỉ đặt ra trong trường hợp có thiệt hại xảy ra, thiệt hại là cơ sở thực tế cho việc BTTH và khi xem xét một sự kiện thì cái tồn tại, cái còn lại tại hiện trường là ‘thiệt hại’chứ không phải hành vi.
Thiệt hại là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất hoặc tinh thần được pháp luật bảo vệ. Thiệt hại trong TNDS phải là ‘thiệt hại thực tế’ về tài sản hoặc tổn thất về tinh thần dẫn đến thiệt hại về tài sản có thể tính được bao nhiêu. Thiệt hại nói chung là những hậu quả bất lợi ngoài ý muốn về tài sản hoặc chi phí tài sản do một sự kiện hoặc một hành vi nào đó gây ra. Thiệt hại xảy ra được coi là điều kiện có tính bắt buộc và là tiền đề trong việc quyết định có phát sinh trách nhiệm BTTH hay không.
Mục đích của BTTH là nhằm khôi phục lại tình trạng trước khi xảy ra thiệt hại. Giống như cách xác định trách nhiệm BTTH nói chung, những thiệt hại do xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân được xác định bao gồm: “BTTH về vật chất và BTTH về tinh thần”– khoản 1 Điều 307 BLDS, Điều 611 BLDS, tiểu mục 1.1 mục 1 phần I và mục 3 phần II của Nghị quyết 03:
1.2. Phải có hành vi trái pháp luật
Pháp luật cấm tất cả những hành vi gây tổn thất cho người khác, cho dù đó là hành vi cố ý hay vô ý. Trong lĩnh vực pháp lý, một người phải thực hiện một việc, hoặc cấm không được thực hiện một việc cụ thể nhưng người đó không thực hiện hoặc thực hiện việc pháp luật cấm đều bị coi là hành vi trái pháp luật.
Hơn nữa, Quyền được tôn trọng và bảo vệ về danh dự, nhân phẩm là một quyền tuyệt đối của mọi công dân. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào “xâm phạm” đến các quyền tuyệt đối này.
1.3. Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật
Mối QHNQ là mối quan hệ khách quan của bản thân các sự vật, tất cả các hiện tượng đều được gây nên bởi những nguyên nhân nhất định. Khi xem xét mối QHNQ giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra, cần xem xét dưới các khía cạnh sau :
Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái phápluật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Điều này được quy định tại Điều 604 BLDS dưới dạng: “Người nào…xâm phạm…mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường”. Ở đây. hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác là nguyên nhân và thiệt hại là hậu quả của hành vi đó. Tuy nhiên, xác định mối tương quan nhân quả là một vấn đề rất phức tạp. Theo phép biện chứng duy vật thì QHNQ là một dạng của mối liên hệ giữa các hiện tượng (sự vật, quá trình) trong đó một hiện tượng được coi là nguyên nhân với những điều kiện nhất định đã làm phát sinh một hiện tượng khác (gọi là kết quả). Trách nhiệm bồi thường dân sự dựa trên cơ sở của mối quan hệ mang ý nghĩa nhân quả giữa hành vi khách quan (hành vi trái pháp luật) với hậu quả (thiệt hại xảy ra). Trách nhiệm BTTH do xâm phạm danh dự, nhân phẩm cũng sẽ không phát sinh nếu thiệt hại xảy ra không phải là kết quả tất yếu. trực tiếp của hành vi trái pháp luậtthuộc về người gây thiệt hại xâm phạm đến các quyền nhân thân của người bị thiệt hại. Khi xem xét mối QHNQ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra để xác định trách nhiệm BTTH do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người gây thiệt hại chúng ta cần phải đảm bảo cho được tính tất yếu khách quan vốn có quy luật của sự việc, hiện tượng chứ không thể chỉ căn cứ vào một sự ngẫu nhiên nào đó.
1.4. Phải có lỗi của người gây thiệt hại
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó mang lại.
Lỗi là một trong bốn yếu tố để xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm BTTH do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nói riêng. Chúng ta bắt buộc phải xem xét đến yếu tố này, bởi lẽ, trên thực tế có những trường hợp xảy ra, lỗi hoàn toàn thuộc về người chịu thiệt hại. Xét về hình thức. lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây ra thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới hai dạng hình thức là lỗi cố ý hay lỗi vô ý:
– Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và ‘mong muốn’ hoặc tuy không mong muốn, nhưng ‘để mặc’ cho thiệt hại xảy ra.
Khi một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ xâm phạm đền danh dự, nhân phẩm của người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng lại để mặc cho danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm thì lỗi của người gây thiệt hại là cố ý.
– Vô ý gây thiệt hại là một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại mặc dù phải biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được – ‘không lường trước’ hoặc ‘lường không hết’.
Hành vi của một người mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác mà người đó đã không mong muốn, không để mặc cho hậu quả xảy ra mà là do không kiểm soát được diễn biến của sự kiện do hành vi vô ý của mình tạo ra thì người đo vẫn phải bồi thường.
Khi xét đến yếu tố lỗi trong trách nhiệm BTTH, chúng ta không thể không xét đến trường hợp hỗn hợp lỗi. Tại Điều 617 BLDS 2005: ‘Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.’. Việc trách nhiệm hỗn hợp lỗi căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi bên có tính thuyết phục, bởi tính hợp lý của cách xác định đó.
Lỗi trong TNDS có những trường hợp là lỗi suy đoán. Bởi hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó bị suy đoán là có lỗi. Người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp không thể chứng minh được, nếu buộc họ chứng minh sẽ bất lợi cho họ. Vì vậy, BLDS đã quy định nghĩa vụ chứng minh về lỗi thuộc về người gây thiệt hại như là một sự bổ sung nghĩa vụ của người đó.
Thư Viện Pháp Luật