Khái niệm tài sản là gì ?
Tài sản và quyền sở hữu là một chế định quan trọng được ghi nhận tại phần thứ 2 của BLDS năm 2005. Tuy nhiên cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam không đưa ra một khái niệm cụ thể về “tài sản”, thay vào đó, điều 163 BLDS 2005 đã liệt kê những đối tượng được xem là tài sản, theo đó: “Tài sản bao gồm vật, quyền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.”
Thứ nhất: Vật.
So với quy định tại điều 172 BLDS 1995: “ Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản” thì điều 163 BLDS 2005 đã dùng thuật ngữ “vật” thay cho thuật ngữ “vật có thực”. Sự thay đổi này đã mở rộng hơn khái niệm “vật”, “vật” ở đây không chỉ là những vật đang thực tế tồn tại mà còn bao gồm cả những vật đang trong quá trình hình thành hoặc những vật tuy chưa bắt đầu hình thành nhưng chắc chắn sẽ có trong tương lai – vật hình thành trong tương lai. Điều này đã giúp làm đa dạng hóa các loại tài sản, tạo điều kiên thuận lợi cho việc mở rộng quyền lựa chọn tài sản của các chủ thể trong các giao dịch dân sự. Mặt khác, cách quy định này đã thể hiện được tinh thần của nguyên tắc: “tự do, tự nguyện cam kết” của luật dân sự, đồng thời cũng giúp pháp luật dân sự Việt Nam xích lại gần hơn với pháp luật dân sự các nước.
Thứ hai: Tiền
Tiền theo kinh tế chính trị học là vật ngang giá chung được sử dụng làm thước đo giá trị của các loại tài sản khác. Tiền do nhà nước độc quyền phát hành, việc phát hành tiền được coi là một trong những biểu hiện của chủ quyền của mỗi quốc gia. Với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngân hàng nhà nước Việt Nam là cơ quan duy nhất được phát hành tiền, tiền nước ta lấy đơn vị tiền tệ là “đồng”, ký hiệu quốc gia viết tắt là “đ”.
So với những tài sản là “vật” thì “tiền” có một số điểm khác biệt. Trước hết, tiền được xác định dựa trên các mệnh giá khác nhau (5000 đồng, 10.000 đồng…) còn vật thường được xác định thông qua các đơn vị đo lường thông thường. Thứ hai, nếu như đối với vật thì ta có thể khai thác công dụng hữu ích từ chính vật đó (nhà dùng để ở, xe để đi lại…)., thì đối với tiền ta không thể khai thác công dụng trực tiếp từ chính tờ tiền hay đồng tiền đó. Tiền thực hiện ba chức năng chính là: công cụ thanh toán đa năng, công cụ tích lũy tài sản và công cụ định giá các loại tài sản khác.
Một vấn đề còn nhiều tranh cãi đó là sự phân biệt giữa nội tệ và ngoại tệ. Dưới góc độ kinh tế thì nội tệ hay ngoại tệ cũng đều là tiền . Nhưng BLDS 1995 thì ngoại tệ không được coi là tiền, bởi lẽ ngoại tệ không được coi là công cụ thanh toán đa năng – một tính năng quan trọng nhất của tiền. Với việc BLDS 2005 đã bỏ quy định tiền thanh toán phải là tiền Việt Nam như quy định tại BLDS năm 1995 thì về mặt pháp lý tiền có thể được hiểu là nội tệ và ngoại tệ. Tuy nhiên, ngoại tệ không được lưu hành rộng rãi như tiền Việt Nam. Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 sửa đổi bổ sung 2013 đã quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối, cụ thể “.Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”
Thứ ba: Giấy tờ có giá
BLDS 2005 đã thay thế cụm từ “giấy tờ trị giá được bằng tiền” trong BLDS 1995 bằng cụm từ “giấy tờ có giá”. Tuy nhiên, cả BLDS 1995 hay BLDS 2005 đều không đưa ra định nghĩa cụ thể thế nào là “giấy tờ trị giá được bằng tiền” hay thế nào là “giấy tờ có giá”. BLDS sự ngoài việc nhắc đến khái niệm “giấy tờ có giá” tại điều 163 thì cũng không đưa ra được các quy định cụ thể mang tính hệ thống để điều chỉnh loại tài sản quan trọng này. Thay vào đó, các quy định liên quan đến “giấy tờ có giá” lại nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau. Khoản 8, điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 đã định nghĩa: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.” Dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, thì “giấy tờ có giá” bao gồm: hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc và các công cụ chuyển nhượng khác (điều 1, luật Các công cụ chuyển nhượng 2005); trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu (điểm c, khoản 1, điều 4 Pháp lệnh ngoại hối 2005); tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ (khoản 16, điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009); các loại chứng khoán (khoản 1, điều 6 Luật Chứng khoán); trái phiếu doanh nghiệp (điều 2 Nghị định số 52/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp). Có thể thấy, xuất phát từ định nghĩa về “giấy tờ có giá” tại khoản 8, điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 cũng như từ thực tiễn đời sống pháp lý, thực chất, “giấy tờ có giá” luôn được tiếp cận dưới ý nghĩa là một “quyền tài sản”, giá trị tài sản không nằm trực tiếp trên các loại giấy tờ này, mà chúng chỉ đơn thuần là những “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ”, các chủ thể không thể khai thác trực tiếp công năng của các loại giấy tờ này mà thực tế họ chỉ khai thác quyền tài sản được ghi nhận trong các “giấy tờ có giá” đó. Thiết nghĩ, BLDS nên có những quy định cụ thể hơn để có thể làm rõ bản chất pháp lý này của “giấy tờ có giá”.
Thứ tư: Quyền tài sản
Quyền tài sản theo định nghĩa tại điều 181 BLDS 2005 là: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.” Hiện nay pháp luật nước ta công nhận một số quyền là quyền tài sản như: quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản bị xâm phạm, quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợ…( Điều 322 BLDS 2005)
Như vậy, trong tương quan với pháp luật một số nước như đã phân tích ở trên thì cách tiếp cận của BLDS Việt Nam đối với khái niệm tài sản không có sự khác biệt quá xa, trong đó điều 163 của BLDS 2005 có thể xem là qui định đưa ra khái niệm về tài sản. Tuy nhiên, điểm thiếu sót ta có thể nhận thấy là khái niệm này lại chưa mang tính khái quát cao thể hiện ở chỗ chưa chỉ ra được các đặc tính của tài sản cũng như mối liên hệ về mặt pháp lý giữa người có tài sản với những người khác đối với tài sản. Trái lại, quy định tại Điều 163 hoàn toàn chỉ mang tính liệt kê. Điều này dường như dẫn đến sự thiếu logic nếu xem xét Điều 163 trong mối quan hệ với các quy định được đặt trong chương XI: Các loại tài sản (từ Điều 174 đến Điều 181). Thứ nhất, nếu như xem chương XI của BLDS 2005 quy định về “Các loại tài sản” là chương có ý nghĩa phân loại tài sản thì chương này đã hoàn toàn không đề cập đến hai loại tài sản đó là tiền và giấy tờ có giá. Thứ hai, BLDS không hề có quy định nào đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định “vật” nhưng lại có đến 5 trên 8 quy định tại chương XI quy định về phân loại “vật”. Thứ ba, liệu các thuật ngữ như “động sản”, “bất động sản”, “hoa lợi”, “lợi tức” được đề cập tại chương này có thể xếp vào loại tài sản nào trong số các loại tài sản đã được liệt kê tại điều 163? Tương tự như vậy, tiền và giấy tờ có giá sẽ được xếp vào loại tài sản nào theo các cách phân loại tại chương XI? Những điều này vẫn chưa được BLDS 2005 làm rõ. Mặt khác, tại chương XI, “quyền tài sản” lại chỉ được quy định duy nhất tại điều 181 với cách quy định hết sức chung chung. Điều luật này chỉ đưa ra hai tiêu chí đối với quyền tài sản đó là “trị giá được bằng tiền” và “có thể chuyển giao”. Bên cạnh đó, theo điều 175 thì quyền tài sản lại hoàn toàn không được xếp vào một trong hai loại bất động sản hay động sản. Như vậy có thể hiểu dường như các nhà làm luật đã coi động sản hoặc bất động sản chỉ có thể là “vật” chứ không thể là quyền tài sản. Soi chiếu lại pháp luật tài sản của các nước, có thể thấy, cách quy định này của BLDS Việt Nam còn chưa thật tương thích dù là theo hệ thống Civil Law hay Common Law. Trong hệ thống Common Law luật tài sản được xem là luật điều chỉnh các hình thức sở hữu khác nhau đối với bất động sản và động sản. Trong hệ thống civil law, tài sản được phân chia thành hai loại động sản và bất động sản. Bên cạnh đó, động sản hay bất động sản trong hệ thống Civil Law mà đặc trưng là luật dân sự Pháp lại bao gồm cả các quyền về tài sản (quyền tài sản là động sản và quyền tài sản là bất động sản).
Thư Viện Pháp Luật