Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án giao đất
Trong trường hợp bạn hỏi có hai vấn đề cần lưu ý:
1. Về vấn đề thi hành án:
Về nguyên tắc, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thẩm quyền và trách nhiệm thi hành trong phạm vi nội dung bản án của Toà án đã tuyên. Bản án trong trường hợp bạn nêu có ba loại quyền, nghĩa vụ thi hành án: Một là nghĩa vụ thi hành án giao đất, hai là nghĩa vụ thi hành tiền án phí và ba là Toà án tuyên giao cho ông A, bà B sử dụng 150m2 đất. Việc thi hành ba loại quyền, nghĩa vụ nêu trên thực hiện không hoàn toàn giống nhau.
- Đối với nghĩa vụ giao đất:
Nội dung bản án tuyên ông A, bà B phải trả ông C, bà D 200m2 đất ở trong tổng số 350m2 ông C, bà D đã gửi ông A, bà B trông coi hộ từ trước đó (ông C bà D đã tự nguyện cho ông A bà B 150m2 trong tổng 350m2 trên và chỉ đòi 200m2). Như vậy, nghĩa vụ thi hành án của ông A và bà B phải trả cho ông C và bà D 200m2 đất.
Bà B chết, ông A còn sống nhưng chưa thi hành án giao đất, do vậy nghĩa vụ giao đất của ông A vẫn phải thi hành, còn đối với nghĩa vụ giao đất của bà B thì thực hiện chuyển giao nghĩa vụ thi hành án để trả ông C và bà D 200 m2 đất mà bản án của Toà án đã tuyên. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự: Trường hợp thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải thi hành án đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì cơ quan thi hành án ấn định thời hạn không quá 30 ngày để người quản lý, sử dụng tài sản của người phải thi hành án giao tài sản cho người được thi hành án. Hết thời hạn này mà họ không thực hiện hoặc tài sản không có người quản lý, sử dụng trực tiếp thì cơ quan thi hành án tổ chức giao tài sản, kể cả cưỡng chế giao tài sản cho người được thi hành án theo quy định của pháp luật.
Do đó, nếu ông A và những người đang sử dụng diện tích 200m2 đất mà ông A và bà B phải trả ông C và bà D mà không tự nguyện giao trả thì Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.
- Đối với nghĩa vụ thi hành án phí:
Đây là loại việc thi hành án chủ động, nên cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14/01/2004 (nay là điểm a khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008) và giao cho Chấp hành viên tổ chức việc thi hành án này. Ông A và bà B phải thi hành án phí nhưng chưa thi hành thì bà B chết. Vì thế, nghĩa vụ thi hành án phí của bà B được chuyển giao cho người thừa kế của bà B theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC. Theo đó, trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan thi hành án có văn bản thông báo, ấn định thời hạn không quá 30 ngày để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thoả thuận thực hiện. Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thoả thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án, thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án, đồng thời ấn định thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, bà B chết nhưng có để lại tài sản, vì thế cơ quan thi hành án cần giải thích và động viên ông A, các con của bà B và những người thừa kế khác của bà B (nếu có) tự nguyện nộp toàn bộ án phí của ông A và bà B. Trường hợp đương sự không đồng ý thì cơ quan thi hành án thực hiện việc xử lý tài sản của bà B để thi hành án theo quy định nêu trên tương ứng với phần nghĩa vụ thi hành án phí của bà B. Do ông A đang sử dụng 100m2, nên cơ quan thi hành án cần hướng đến việc tập trung xử lý diện tích đất này để thi hành nghĩa vụ thi hành án của ông A và bà B.
- Đối với việc thi hành án giao cho ông A và bà B 150m2 đất:
Bản án tuyên giao cho ông A, bà B 150m2 đất do ông C bà D tự nguyện cho ông A bà B 150m2 trong tổng số 350m2 trên và chỉ đòi 200m2 thì 150m2 đất này thuộc quyền sử dụng của ông A và bà B kể từ thời điểm bản án của Toà án có hiệu lực pháp luật (tháng 4 năm 2005). Ông A và bà B có quyền căn cứ bản án của Toà án đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình đối với diện tích 150m2 đất này theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Trong trường hợp ông A và bà B làm đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản này thì cơ quan thi hành án dân sự nhận đơn và ra quyết định thi hành án, nếu ông A và bà B không làm đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ để ra quyết định thi hành án đối với nội dung này nên không tổ chức việc thi hành án đó.
2. Đối với vấn đề ông C và bà D viết giấy cho riêng bà B 50m2 đất trong số 150m2 đất:
Theo nội dung bạn nêu thì tháng 6/2005 ông C, bà D làm đơn yêu cầu thi hành án, tuy nhiên tháng 8/2005 ông C, bà D có giấy viết tay có xác nhận của UBND xã là đồng ý cho riêng bà B 50m2 trong tổng số đất 150m2 mà Toà án đã tuyên giao cho ông A, bà B sử dụng từ tháng 4/2005. Đây là nội dung ngoài bản án của Toà án bởi vì diện tích đất 150m2 này đã được ông C và bà D cho ông A và bà B trước đó được bản án của Toà án tuyên, vì thế việc viết giấy cho 50m2 đất này không hợp pháp mặc dù được UBND xã đồng ý. Do đó, nếu các đương sự có tranh chấp về vấn đề này thì đề nghị Toà án giải quyết bằng một vụ kiện dân sự khác.
Thư Viện Pháp Luật