Chia tài sản chung có nguồn gốc do bố mẹ để lại
1. Việc phân chia ngôi nhà
Hiện nay, căn nhà đã được đăng ký sang tên cho bạn, em trai bạn và người vợ thứ hai của bố bạn nên việc phân chia căn nhà do ba người tự thỏa thuận và thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu xét về nguồn gốc tài sản (là tài sản thuộc sở hữu của bố mẹ bạn khi còn sống) thì tài sản là ngôi nhà được chia như sau:
Vì ngôi nhà là tài sản chung của bố mẹ bạn nên khi bố, mẹ bạn chết, tài sản được chia cho những người thừa kế của mỗi người:
a. Đối với phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ bạn (1/2 giá trị ngôi nhà).
Năm 1999, mẹ bạn chết trước, không để lại di chúc nên phần sở hữu nhà ở của mẹ bạn được chia cho những người thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự quy định tại Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự. Theo đó, những người được hưởng di sản của mẹ bạn gồm:
- Bố bạn (với tư cách chồng của người để lại di sản);
- Bạn và em trai bạn (với tư cách con đẻ của người để lại di sản);
- Những người thừa kế khác (thuộc hàng thừa kế thứ nhất nếu có);
Nếu ngoài bố bạn, bạn và anh trai bạn, mẹ bạn không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, là 1/3 di sản do mẹ bạn để lại; tức là, mỗi người sẽ được hưởng 1/6 giá trị ngôi nhà.
b. Đối với phần tài sản thuộc sở hữu của bố bạn (1/2 giá trị ngôi nhà).
Theo thông tin bạn cung cấp, năm 2009, bố bạn kết hôn lần hai, đến năm 2011 thì bố bạn chết, không để lại di chúc.
- Di sản của bố bạn để lại sẽ bao gồm:
+ 1/2 giá trị ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của bố bạn trong khối tài sản chung vợ chồng;
+ Và 1/6 giá trị ngôi nhà: đây là phần di sản mà bố bạn được hưởng do mẹ bạn để lại như đã nêu ở trên.
Theo đó, di sản do bố bạn để lại là 2/3 giá trị ngôi nhà.
- Người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản do bố bạn để lại gồm:
+ Người vợ thứ hai của bố bạn (với tư cách là vợ của người để lại di sản);
+ Bạn và em trai bạn (với tư cách con đẻ của người để lại di sản);
+ Những người thừa kế khác (thuộc hàng thừa kế thứ nhất nếu có);
Nếu ngoài ba người nêu trên, bố bạn không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì mỗi người (người vợ thứ hai của bố bạn, bạn, em trai bạn) sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, là 1/3 di sản do bố bạn để lại.
2. Thủ tục phân chia.
Để phân chia tài sản chung là ngôi nhà, trước hết ba người là bạn, em trai bạn và người vợ thứ hai của bố bạn phải thỏa thuận xác định rõ phần của từng người, có thể phân chia nhà (nếu việc phân chia nhà đủ điều kiện và có thể phân chia được theo quy định của pháp luật); hoặc phân chia theo giá trị bằng tiền của ngôi nhà. Thủ tục được thực hiện như sau:
a. Công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung.
Bạn có thể đến bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản để yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung (theo Điều 42 Luật công chứng). Bạn nộp hồ sơ yêu cầu công chứng gồm các giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
- Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung (nếu có);
- Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
- Bản sao giấy tờ khác.
Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, tổ chức công chứng thụ lý hồ sơ và thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung theo quy định của Luật công chứng và văn bản hướng dẫn.
b. Đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở.
Sau khi công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, các bên có trách nhiệm thực hiện theo những cam kết đã thỏa thuận trong văn bản. Người được hưởng quyền sở hữu ngôi nhà sẽ có quyền đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Thư Viện Pháp Luật