Chống người thi hành công vụ
Với hành vi của các đối tượng tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, khiêu khích cảnh sát khi bị tổ công tác khống chế nhưng đối tượng không chịu hợp tác còn lăng mạ người thi hành công vụ, tấn công cảnh sát thì tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm của từng hành vi cụ thể có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tương ứng đó. Cụ thể: Những đối tượng nói trên sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi không đội mũ bảo hiểm (theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010), còn đối với những hành vi còn lại thì đó chính là hành vi chống người thi hành công vụ và cũng tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm mà hành vi này là hành vi vi phạm hành chính (sẽ bị xử phạt hành chính) hoặc là hành vi phạm tội (sẽ phải chịu hình phạt). Theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội chống người thi hành công vụ được quy định như sau:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.”
Để cấu thành tội chống người thi hành công vụ nói trên, người phạm tội phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:
- Về mặt khách quan: Hành vi của người phạm tội phải thỏa mãn 1 trong 3 hành vi khách quan sau:
+ Hành vi dùng vũ lực (dùng sức mạnh vật chất tấn công, hành hung) cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
+ Hành vi đe dọa dùng vũ lực (đó là hành vi uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ làm cho họ sợ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
+ Hành vi dùng thủ đoạn khác (như lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống..) nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
- Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội phải là lỗi cố ý ( người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là chống hoặc cản trở việc thực hiện công vụ của người khác nhưng vẫn thực hiện)
- Về chủ thể: vì đây là tội phạm ít nghiêm trọng (khoản 1) và tội phạm nghiêm trọng (khoản 2) nên chủ thể phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khi đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này thì người phạm tội sẽ phải chịu mức hình phạt trong khung hình phạt tương ứng.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh sự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, với hành vi không hợp tác và lăng mạ các chiến sĩ 141 nói trên, kết hợp với người này trên 16 tuổi hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự 1999. Và hình phạt sẽ tương ứng với hành vi phạm tội mà người này thực hiện thuộc khoản 1 hay khoản 2 của điều luật trên hoặc có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP.
Thư Viện Pháp Luật