Xử lý kết hôn trái pháp luật
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì “Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này”. Việc chồng bạn sử dụng giấy tờ giả để đăng ký kết hôn đã vi phạm hành vi cấm của Luật hôn nhân và gia đình – cấm lừa dối kết hôn.
Trong trường hợp này, bạn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật. Theo quy định tại khoản 3 Điều 33, điểm b khoản 1 Điều 34, điểm b khoản 2 Điều 36 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung 1 số điều bằng Luật số 65/2011/QH12 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi một trong các bên đăng ký kết hôn trái pháp luật.
Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết như trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì tùy từng hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Thư Viện Pháp Luật