Ủy quyền định đoạt tài sản đang thế chấp
Ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hiện nay, việc ủy quyền liên quan đến định đoạt bất động sản chỉ bị hạn chế đối với trường hợp nhà ở có sẵn theo quy định tại khoản 6 Điều 63 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, cụ thể như sau: “Hợp đồng ủy quyền quản lý, trông coi, sử dụng nhà ở, uỷ quyền bán, cho thuê nhà ở phải có công chứng hoặc chứng thực. Các bên chỉ được ký kết hợp đồng uỷ quyền và cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực chỉ được thực hiện công chứng, chứng thực các hợp đồng ủy quyền quy định tại khoản này khi nhà ở đã được xây dựng xong”.
Đối với tài sản đang thế chấp thì bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp trừ trường hợp được bên nhận thế chấp đồng ý. Việc ủy quyền để người khác thay mặt chủ sử dụng/chủ sở hữu tài sản làm các thủ tục để chuyển nhượng/bán tài sản theo quy định của pháp luật như bạn hỏi thì chưa có văn bản nào hạn chế thực hiện. Bạn vẫn có thể ủy quyền cho vợ mình để thực hiện các nội dung đã nêu: trả nợ, nhận lại tài sản để thế chấp và sau khi hoàn thành việc trả nợ, xóa thế chấp thì được quyền chuyển nhượng, bán theo quy định của pháp luật. Với những nội dung ủy quyền này thì vợ bạn chỉ được thay mặt bạn chuyển nhượng/bán tài sản đang thế chấp sau khi đã xóa đăng ký thế chấp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc ủy quyền này là phù hợp với các quy định của pháp luật. Bạn có thể đến tổ chức công chứng để yêu cầu thực hiện hợp đồng ủy quyền này.
Thư Viện Pháp Luật