Yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến thỏa thuận thì phải chịu phí thi hành án
Theo quy định tại Điều 6, Điều 9 Luật Thi hành án dân sự thì Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
Hướng dẫn chi tiết nội dung này của Luật Thi hành án dân sự, tại Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận. Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người được thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó. Việc thỏa thuận trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành do các đương sự tự nguyện thực hiện.
Sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do. Người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp đương sự không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung bản án, quyết định; đơn yêu cầu thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận để ra quyết định thi hành án. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì căn cứ thỏa thuận của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thỏa thuận không yêu cầu thi hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Căn cứ quy định nêu trên, với nội dung vụ việc ông nêu thì ông và nguyên đơn có thể thi hành bản án theo một trong hai cách:
1. Thứ nhất, ông và nguyên đơn lập văn bản thỏa thuận thi hành bản án mà không cần yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành bản án. Văn bản thỏa thuận thi hành án phải ghi rõ nội dung thỏa thuận nguyên đơn đồng ý nhận 400.000.000 đồng thay cho việc nhận 420.000.000 đồng và đã nhận đủ số tiền 400.000.000 đồng, bị đơn được quyền sử dụng diện tích đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Văn bản thỏa thuận này phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thỏa thuận, tốt nhất là nơi có diện tích đất nêu trên. Trong trường hợp này, người được thi hành án nhận tiền, tài sản không phải chịu phí thi hành án, bởi vì đương sự không yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án do tự thỏa thuận thi hành được với nhau được Nhà nước khuyến khích.
Trên cơ sở văn bản thỏa thuận được Ủy ban nhân dân cấp xã đã xác nhận và tài liệu chứng minh, xác nhận nguyên đơn đã nhận đủ tiền theo thỏa thuận thi hành án, cùng với bản án của Tòa án, ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, bởi vì bản án của Tòa án đã được các đương sự tự nguyện thi hành thì thuộc trường hợp được cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất theo điểm d khoản 1 Điều 99 Luật đất đai năm 2013.
2. Thứ hai, nếu các đương sự không tự nguyện thi hành án được với nhau thì ông có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án. Trên cơ sở yêu cầu thi hành án của ông hoặc nguyên đơn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên thi hành việc thi hành án. Sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án, ông và nguyên đơn có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận; nếu yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận.
Theo cách thức thi hành án này, ngoài chi phí chứng kiến việc thỏa thuận phát sinh như quy định nêu trên thì người được thi hành án còn phải chịu phí thi hành án. Mức phí thi hành án theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ và Thông tư số liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/09/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án.
Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên. Thí dụ 1: Có 3 người được chia thừa kế một tài sản có giá trị 1 tỷ đồng. Người thứ nhất được nhận 20% giá trị tài sản. Người thứ hai được nhận 30% giá trị tài sản. Người thứ ba được nhận 50% giá trị tài sản. Số phí thi hành án phải nộp của từng người theo quy định trên được xác định như sau:
- Xác định tổng số phí thi hành án phải nộp: 3% x 1 tỷ đồng = 30 triệu đồng.
- Xác định số phí thi hành án phải nộp của từng người:
+ Người thứ nhất phải nộp là: 20% x 30 triệu đồng = 6 triệu đồng.
+ Người thứ hai phải nộp là: 30% x 30 triệu đồng = 9 triệu đồng.
+ Người thứ ba phải nộp là: 50% x 30 triệu đồng = 15 triệu đồng.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu phí thi hành án để thực hiện việc thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản cho người được thi hành án. Người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản để thu phí do người được thi hành án chi trả.
Với các quy định và phân tích như trên, theo chúng tôi, ông và nguyên đơn nên thi hành án theo cách thức thứ nhất để giảm thiểu chi phí thi hành án (phí thi hành án), cũng như thể hiện sự tự nguyện thi hành bản án của Tòa án, góp phần giảm án dân sự tồn đọng, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Thư Viện Pháp Luật