Chia tài sản hình thành khi chung sống như vợ chồng
Khi bố bạn chết, không để lại di chúc, tài sản do bố bạn để lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật, quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Để phân chia tài sản của bố bạn để lại, cần xác định các vấn đề:
- Di sản do bố bạn để lại gồm toàn bộ ngôi nhà và thửa đất hay chỉ là một phần ngôi nhà và một phần quyền sử dụng thửa đất.
- Người thừa kế? Người vợ hai của bố bạn có được coi là người thừa kế theo pháp luật của bố bạn hay không?
Để xác định những vấn đề nêu trên, cần xác định mối quan hệ giữa bố bạn và người vợ hai, đồng thời xác định quyền của người vợ đối với tài sản là thửa đất do bố bạn đứng tên và ngôi nhà được xây dựng trên đất. Cụ thể như sau:
Bố bạn và người vợ thứ hai sống với nhau từ năm 1988 nhưng không đăng ký kết hôn, trường hợp này được coi là chung sống với nhau như vợ chồng. Các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng được hướng dẫn tại Khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình.
a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;
c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Theo quy định nêu trên, bố bạn và người vợ hai chung sống từ năm 1988 (trong khoảng thời gian từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001). Bạn cần tìm hiểu rõ xem, sau khi chung sống với nhau, bố và người vợ hai có đăng ký kết hôn theo quy định nêu trên hay không. Có hai trường hợp như sau:
1. Trường hợp thứ nhất: Sau thời gian chung sống như vợ chồng, hai người đã đăng ký kết hôn.
Khi đó, hai người là vợ chồng hợp pháp, việc xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với tài sản trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau: [Anchor]
- Tài sản chung của vợ chồng (Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình):
+ Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
+ Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
+ Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
- Tài sản riêng của vợ, chồng (Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình):
+ Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
+ Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Lưu ý: Theo thông tin bạn cung cấp, thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố bạn. Việc trên giấy chứng nhận chỉ có tên của bố bạn không phải là căn cứ để xác định tài sản đó đương nhiên là tài sản riêng của bố bạn. Nếu thửa đất hình thành trong thời kỳ hôn nhân, không phải là tài sản mà bố bạn được tặng cho riêng, thừa kế riêng thì tài sản đó sẽ được coi là tài sản chung vợ chồng.
Trở lại với những vấn đề cần giải quyết nêu trên:
(i) Xác định di sản thừa kế: Nếu thửa đất và nhà ở là tài sản chung vợ chồng của bố và người vợ thứ hai thì di sản thừa kế do bố bạn để lại là: một phần hai giá trị nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Một phần hai giá trị nhà ở và quyền sử dụng đất ở còn lại thuộc quyền sở hữu/sử dụng của người vợ hai.
(ii) Người thừa kế: Người vợ thứ hai được hưởng di sản do bố bạn để lại với tư cách là vợ của người để lại di sản. Di sản của bố bạn sẽ được chia đều cho: người vợ hai, 05 người con riêng của bố bạn, bạn (và những người thừa kế khác nếu có).
2. Trường hợp thứ hai: Cho đến nay, bố bạn và người vợ thứ hai không có đăng ký kết hôn.
Trong trường hợp này, pháp luật không công nhận họ là vợ chồng. Tài sản là nhà đất đứng tên bố bạn sẽ là tài sản riêng của bố bạn. Tuy nhiên, nếu có tranh chấp, người vợ thứ hai có quyền yêu cầu tòa án xác định quyền lợi của người đó đối với nhà đất này. Khi giải quyết tranh chấp, tòa án có thể tính đến công sức, tiền bạc do người vợ đó đóng góp vào việc hình thành tài sản (ví dụ: tiền góp mua chung đất, tiền xây nhà, tiền và công sức cải tạo nhà đất trong thời gian chung sống...). Vấn đề về di sản, người thừa kế có thể được xác định như sau:
(i) Di sản: Là toàn bộ nhà đất thuộc quyền sử dụng/sở hữu của bố bạn; hoặc có thể trừ đi phần tài sản của người vợ hai (nếu được tòa án tuyên);
(ii) Người thừa kế: Người vợ hai không phải là người thừa kế theo pháp luật của bố bạn. Di sản của bố bạn sẽ được chia đều cho: 05 người con riêng của bố bạn, bạn (và những người thừa kế khác nếu có).
Thư Viện Pháp Luật