Thế chấp bằng tài sản góp vốn
Khoản 2 Điều 19 Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009 của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định: Các trường hợp phải đăng ký biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp như sau:
- Khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà không hình thành pháp nhân mới đối với cả thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc một phần thửa đất, tài sản gắn liền với đất;
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản được phép đổi tên;
- Giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên;
- Người sử dụng đất đề nghị chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận đã cấp;
- Thay đổi thông tin về số hiệu thửa, tên đơn vị hành chính nơi có thửa đất, tài sản gắn liền với đất;
- Chuyển mục đích sử dụng đất; chuyển công năng sử dụng của nhà ở, công trình xây dựng;
- Thay đổi thời hạn sử dụng đất, thời hạn sở hữu tài sản;
- Chuyển từ hình thức được Nhà nước cho thuê đất sang hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất;
- Thay đổi về hạn chế quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Thay đổi về nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện;
- Thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà, công trình;
- Thay đổi diện tích, nguồn gốc tạo lập, hồ sơ giao rừng sản xuất là rừng trồng;
- Đính chính nội dung ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót do việc in hoặc viết Giấy chứng nhận;
- Giấy chứng nhận đã cấp có nhiều thửa đất mà người sử dụng đất chuyển quyền sử dụng một hoặc một số thửa đất.
Đối chiếu với quy định nêu trên thì trường hợp cổ đông góp vốn bằng quyền sử dụng đất của mình vào công ty, không hình thành pháp nhân mới thì phải làm thủ tục đăng ký biến động vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Trình tự, thủ tục được quy định tại Khoản 1 Điều 131 Luật Đất đai như sau:
- Hồ sơ đăng ký góp vốn gồm hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. (Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật).
- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, đối với trường hợp đủ điều kiện góp vốn thì thực hiện đăng ký góp vốn vào hồ sơ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp việc góp vốn phát sinh pháp nhân mới thì gửi hồ sơ đăng ký góp vốn đến cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho pháp nhân mới đó.
Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai). Sau khi đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì việc góp vốn của cổ đông vào công ty mới có hiệu lực. Khi chưa đăng ký thì tài sản vẫn thuộc quyền sử dụng/sở hữu của cổ đông.
Như vậy:
- Trường hợp thứ nhất: Nếu việc góp vốn đã được đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì làm hợp đồng thế chấp với bên thế chấp là công ty.
- Trường hợp thứ hai: Nếu việc góp vốn chưa đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì phải tiến hành thủ tục đăng ký và bên thế chấp là công ty. Nếu không đăng ký thì bên thế chấp trong hợp đồng thế chấp là cổ đông có quyền sử dụng thửa đất đó.
Thư Viện Pháp Luật