Nhận thế chấp tài sản của tổ chức kinh tế
Ðiều 343 Bộ luật Dân sự quy định về hình thức thế chấp tài sản như sau: Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký. Như vậy, khi nhận thế chấp thì công ty bạn và bên thế chấp phải lập thành văn bản.
Lưu ý:
Riêng với trường hợp thế chấp bằng quyền sử dụng đất thì bạn phải lưu ý thêm: Tổ chức kinh tế sử dụng đất theo nhiều hình thức, mỗi hình thức sử dụng thì tổ chức đó có các quyền khác nhau theo quy định của Luật Đất đai 2003, cụ thể như sau:
* Điều 110: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất: Thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn theo quy định của pháp luật.
* Điều 111: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê: Thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam để vay vốn sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Từ những quy định nêu trên thì dù thế chấp quyền sử dụng đất hay thế chấp tài sản gắn liền trên đất thì tổ chức kinh tế chỉ được phép thế chấp tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam. Công ty bạn không phải là tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam nên không được nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất của tổ chức kinh tế.
Thư Viện Pháp Luật