Người thừa kế trong trường hợp vợ, chồng có con chung, con riêng
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên một mình bà ngoại bạn nhưng thửa đất đó có thể là tài sản riêng của bà bạn hoặc là tài sản chung của ông bà ngoại bạn.
Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thỏa thuận. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.
Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình: Thực tiễn cho thấy không phải trường hợp nào quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng cũng đều đăng ký tên cả hai vợ chồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật yêu cầu phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên vợ hoặc chồng thì đó là tài sản chung của vợ chồng.
Đối chiếu với các quy định trên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên bà ngoại bạn không có nghĩa là tài sản đó đương nhiên là tài sản riêng của bà bạn. Nếu tài sản đó có trong thời kỳ hôn nhân của ông bà bạn thì đó là tài sản chung của ông bà; trừ trường hợp đó là tài sản do bạn bạn có được sau khi ông mất, hoặc được thừa kế riêng, tặng cho riêng ....
Để trả lời câu hỏi của bạn thì chúng tôi chia ra hai trường hợp như sau:
1. Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bà bạn
Vì bà bạn trước khi chết không để lại di chúc nên di sản được chia theo pháp luật, người thừa kế được quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, những người được hưởng di sản do bà bạn để lại ít nhất là 04 (bốn) người, bao gồm ba người con gái chung với ông bạn và một người con riêng của bà bạn. Nếu bà bạn còn có người chồng hợp pháp nào khác hoặc người con đẻ, con nuôi nào khác thì những người này cũng được hưởng di sản theo quy định trên. Nếu bà bạn chỉ có bốn người thừa kế là các con như nêu trên thì bốn người đó sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau là một phần tư di sản tức là một phần tư giá trị quyền sử dụng đất.
2. Quyền sử dụng đất là tài sản chung của ông bà bạn
Ðiều 219 Bộ luật Dân sự quy định: Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án. Khi ông bà bạn mất quyền sử dụng đất trở thành di sản thừa kế và khi chia di sản đó, chúng ta sẽ mặc nhiên coi di sản của ông là một phần hai giá trị quyền sử dụng đất và di sản của bà cũng là một phần hai giá trị quyền sử dụng đất. Người thừa kế và việc phân chia cụ thể như sau:
a. Người thừa kế theo pháp luật của ông ngoại bạn (trường hợp ông không để lại di chúc).
Cũng theo quy định của Điều 676 Bộ luật Dân sự nêu trên thì người thừa kế của ông bạn gồm 06 (sáu) người: bà ngoại bạn; ba người con gái chung với bà ngoại; hai người trai riêng của ông. Mỗi người này sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau là một phần sáu di sản (di sản ở đây là một phần hai giá trị quyền sử dụng đất).
Sở dĩ bà ngoại bạn được hưởng di sản là vì: người thừa kế được xác định tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông bạn mất) và là người còn sống tại thời điểm đó (theo Điều 635 Bộ luật Dân sự). Tại thời điểm ông bạn mất, bà bạn vẫn còn sống nên đương nhiên bà vẫn được chia di sản. Đến nay, khi phân chia di sản thừa kế của ông bạn mà bà đã mất nên phần di sản mà bà được hưởng khi còn sống sẽ được chia cho các đồng thừa kế theo pháp luật của bà, chính là bốn người con gái của bà như đã nêu ở phần 1. Bốn người này sẽ cùng được hưởng di sản mà bà được hưởng từ ông, là một phần sáu di sản thừa kế.
b. Người thừa kế theo pháp luật của bà ngoại.
Là bốn người con gái như nêu ở phần một. Bốn người này cũng được hưởng phần di sản bằng nhau là một phần tư di sản do bà bạn để lại nhưng di sản ở đây chỉ là một phần hai giá trị quyền sử dụng đất.
Thư Viện Pháp Luật