Tiêu thụ tài sản do trộm cắp thì bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật hình sự thì người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Trường hợp mà bạn nêu, ba mẹ bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nếu như hành vi tiêu thụ rài sản là không hứa hẹn trước và khi tiêu thụ, ba mẹ bạn biết rõ, tài sản đó là do phạm tội mà có. Nếu ba mẹ bạn không biết tài sản đó là do phạm tội thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu như ba mẹ bạn có hứa hẹn về việc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm về tội phạm mà người phạm tội thực hiện để có tài sản mà ba mẹ bạn tiêu thụ.
Hình phạt dành cho tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định như sau:
- Nếu phạm tội thuộc quy định tại khoản 1 Điều 250 thì sẽ bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .
- Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 250 thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
- Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 250 bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
- Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 250 bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Thư Viện Pháp Luật