Tội trộm cắp xe máy
Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, bạn của bạn đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
Điều 303 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy địn về việc bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội (người từ đủ 14 cho đến dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội) như sau:
1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
3. Cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam.
Như vậy, với hành vi trộm cắp chiếc xe thì tùy thuộc vào độ tuổi, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi trộm cắp (thuộc loại tội phạm nào), phụ thuộc vào các căn cứ, các trường hợp được quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 mà bạn của bạn có thể bị tạm giam hoặc không.
Theo Điều 138 quy định về tội trộm cắp tài sản:
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Như vậy, tùy vào giá trị của chiếc xe máy là tài sản trộm cắp cũng như nếu có các tình tiết định khung tăng nặng khác thì hành vi trộm cắp bạn của bạn sẽ phải chịu mức hình phạt tương ứng thuộc các khoản 1, khoản 2, khoản 3, và khoản 4 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tuy nhiên, bạn chú ý Điều 60 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Án treo như sau:
1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật hình sự năm 1999.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 1999.
Như vậy, lần thứ nhất bạn đó bị tuyên hình phạt tù cho hưởng án treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (ví dụ bạn đó bị tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách hưởng án treo là 2 năm) và lần thứ 2 (sau hai tháng) lại tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản và bị tòa án tuyên phạt (ví dụ tòa tuyên án 2 năm chẳng hạn) thì hình phạt được áp dụng cụ thể như sau:
Do bạn đó đang trong thời gian thử thách được hưởng án treo là 2 năm lại phạm tội mới là tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì bạn của bạn đã vi phạm điều kiện cho hưởng án treo là phạm tội mới trong thời gian thử thách. Nên sau khi tuyên hình phạt tù đối với tội trộm cắp tài sản thì Tòa án sẽ căn cứ vào khoản 5 của Điều 60 và Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 1999 sẽ cộng mức hình phạt tù của bản án tội trộm cắp tài sản với mức hình phạt tù của bản án tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đáng lẽ cho hưởng án treo thành hình phạt chung: 2 năm + 1 năm = 3 năm và bạn đó phải chấp hành hình phạt chung là 3 năm kể từ ngày bản án tội trộm cắp tài sản có hiệu lực pháp luật. Còn nếu tội trộm cắp không được thực hiện trong thời gian thử thách thì tòa án tuyên bản án, và bạn đó chỉ phải chấp hành độc lập về bản án này.
Còn đối với tình tiết thấy chiếc xe có chìa khóa sẵn nên lấy chứ không có âm mưu từ trước là đi ăn cắp xe trong khi đó bạn của bạn đang phải chấp hình phạt tù cho hưởng án treo, rất khó để tòa cho rằng đó là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Thư Viện Pháp Luật