Tố giác hành vi cố ý gây thương tích

Do mâu thuẫn với một nhóm giang hồ nên khoảng 5 người người cầm dao truy đuổi em trai tôi để chém, nhưng em tôi vào phòng chốt cửa lại. Chồng tôi từ bên ngoài chạy vào xem tình hình em trai tôi thế nào thì bị nhóm người chém ở tay và lưng, phải nhập viện điều trị (khâu hơn 20 mũi). Vậy nhóm người kia phạm tội gì và sẽ bị xử lý như thế nào? Tôi có thể khởi kiện nhóm người kia được không và khởi kiện như thế nào?

1. Về việc tố giác hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người đã gây thương tích cho chồng bạn

Khoản 1 Điều 2 của Luật tố cáo 2012  quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật tố cáo về việc áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì việc tố giác và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Như vậy, chồng bạn có thể thực hiện việc tố giác nhóm  người này ra cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 101 của Bộ luật tố tụng hình sự: “Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.”

Theo quy định tại khoản 4, Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền điều tra thì cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Như vậy theo các quy định trên thì bạn có thể gửi đơn tố giác hoặc trực tiếp đến cơ quan điều tra; viện kiểm sát; tòa án hoặc cơ quan khác nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi phát hiện tội phạm hoặc nơi người có hành vi vi phạm cư trú để tố giác về hành vi cố ý gây thương tích này.

2. Về việc xác định trách nhiệm của nhóm người đã gây thương tích cho chồng bạn

Hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

 “Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”.

Điểm e khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;

…”.

Theo các quy định nêu trên thì tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật của chồng bạn, nhóm người đã gây thương tích cho chồng bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

- Nhóm người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong hai trường hợp sau đây:

+ Trường hợp 1: Tỷ lệ thương tật của chồng bạn từ 11% đến 30%;

+ Trường hợp 2: Tỷ lệ thương tật của chồng bạn dưới 11% nhưng phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104.

Trong trường hợp này, nhóm người kia sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu phạm tội thuộc quy định tại khoản 2 Điều 104 thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; phạm tội thuộc quy định tại khoản 3 Điều 104 thì sẽ bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm; phạm tội thuộc quy định tại khoản 4 Điều 104 thì sẽ bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

- Trường hợp không đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự thì nhóm người kia sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 của Nghị định số 167 và sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Bên cạnh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì nhóm người đã gây thương tích cho chồng bạn còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự vì khoản 1 Điều 604 của Bộ luật dân sự  quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Việc xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường được thực hiện theo quy định tại mục 1 Phần II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bao gồm:

Thứ nhất, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

Thứ hai, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

Thứ ba, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

- Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế.

- Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:

- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất. Việc xác định thu nhập thực tế được xác định như sau:

+ Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất;

+ Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc, có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.

+ Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.

Thứ tư, trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại.

- Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.

Thứ năm, khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm. Trong mọi trường hợp, khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân… Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Bạn có thể căn cứ vào các quy định nêu trên để giải quyết trường hợp của mình.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm tính mạng sức khỏe

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào