Vay tiền để kinh doanh nhưng không còn khả năng chi trả
1. Đối với tài sản đã sang tên cho một chủ nợ
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền yêu cầu Toà án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án (Điều 99 Bộ luật Tố tụng dân sự). Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 102 BLTTDS, có:
- Kê biên tài sản đang tranh chấp.
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.
- Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.
Quyền của chủ tài sản còn bị hạn chế trong trường hợp: Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 16 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự).
Từ những quy định trên đối chiếu đến vấn đề mà bạn hỏi, có thể chia ra thành hai trường hợp sau:
- Trường hợp thứ nhất: Bạn đã chuyển nhượng tài cho chủ nợ trước khi có đơn khởi kiện của các chủ nợ khác hoặc chuyển nhượng trong quá trình giải quyết vụ án nhưng không có quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án của cơ quan có thẩm quyền nhằm hạn chế những giao dịch liên quan đến tài sản của bạn thì giao dịch đó vẫn được công nhận và tài sản đã đăng ký sang tên chủ nợ đó không còn liên quan đến vụ án nữa.
- Trường hợp thứ hai: Việc chuyển nhượng của bạn thực hiện sau thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án.
2. Về lãi suất 7,5% và 9% /tháng
Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất cho vay như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Trong câu hỏi của bạn, bạn không nêu rõ việc vay tiền từ thời điểm nào, hơn nữa bạn có nhiều khoản vay nên thời điểm vay là khác nhau. Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại mỗi thời điểm là khác nhau nên bạn có thể tìm hiểu thêm về lãi suất cơ bản tại thời điểm mà bạn vay để biết xem lãi suất như vậy có cao hơn quy định không. Trường hợp có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
3. Rất khó để tư vấn cho bạn nên phải trả nợ như thế nào nhưng cũng xin chia sẻ với những khó khăn mà bạn đang trải qua. Để giải quyết tình hình khó khăn trước mắt thì bạn có thể thương lượng với các chủ nợ để xin gia hạn việc trả nợ.
4. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Đây là quyền nhân thân của mỗi người đã được khẳng định ngay trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quyền này một lần nữa được khẳng định tại Điều 32 BLDS: Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể. Tất cả những hành vi đe dọa đến tính mạng cá nhân đều phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhà nước ta đã thiết lập một hệ thống cơ quan công quyền (Tòa án, Viện kiểm sát, công an nhân dân) để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và các quyền khác của công dân.
Khi gia đình bạn bị uy hiếp tính mạng thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật