Tịch thu đồ của dân
+ Điều 10 Pháp lệnh số 33-L/CTN ngày 19 tháng 5 năm 1994 của Ủy ban thường vụ quốc hội về Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có quy định: Việc cư trú, sản xuất, kinh doanh, ra vào, đi lại, quay phim, chụp ảnh và mọi hoạt động khác trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự phải tuân theo Quy chế của Chính phủ về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
+ Điều 3 Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Ban hành kèm theo Nghị định số 04/CP ngày 16 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ) có quy định về Khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn được xác định căn cứ vào tính chất, mục đích sử dụng của từng công trình quốc phòng và khu quân sự như sau: Khu vực cấm được xác định bằng tường, hàng rào, hào ngăn cách, cột mốc hoặc các ký hiệu, tín hiệu riêng. Chỉ những người có trách nhiệm mới được vào khu vực cấm. Khu vực cấm được tổ chức tuần tra canh gác thường xuyên và là nơi cấm quay phim, chụp ảnh.
+ Điều 20 Quyết định số 2649/1999/QĐ-BQP ngày 27 tháng 12 năm 2009 về việc ban hành quy định quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có quy định về Quy định ra vào khu vực cấm như sau:
1. Chỉ những người có trách nhiệm, được cấp có thẩm quyền cho phép mới được ra vào KVC. Theo quy định sau đây:
a. Các CTQP - khu QS loại 1 và 2 thuộc nhóm 1 và 2, cấp Bộ Quốc phòng quản lý, do Bộ Tổng Tham mưu quy định, Cục Bảo vệ An ninh xét duyệt nhân sự và cấp giấy.
b. Các CTQP - khu QS loại 1 và 2 thuộc nhóm 1 và 2, cấp Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng, Bộ tư lệnh Biên phòng hoặc tương đương quản lý, do cấp Tư lệnh quy định, Phòng Bảo vệ an ninh cùng cấp xét duyệt và cấp giấy.
c. Các CTQP - khu QS loại 3 và 4 do thủ trưởng các đơn vị trực tiếp quản lý quyết định, trường hợp do tính chất công trình quan trọng thì cấp trên của đơn vị trực tiếp quản lý quy định, nhưng phải đăng ký danh sách với cơ quan bảo vệ an ninh cùng cấp.
2. Người ra vào KVC chỉ thực hiện những nội dung công việc đã được phê duyệt, đi lại theo sự hướng dẫn của đơn vị quản lý, trang bị đồ dùng cá nhân mang vào phải đăng ký và kiểm tra.
Cấm quay phim chụp ảnh KVC, trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của cấp trên đơn vị quản lý trực tiếp cho phép và chỉ thực hiện những nội dung phục vụ công tác chuyên môn. Không đưa tin các CTQP – khu QS loại 1 và 2 trên các phương tiện thông tin đại chúng, trường hợp cần đưa tin phải được Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu hoặc Thủ trưởng cấp quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, Bộ tư lệnh Biên phòng và tương đương cho phép, cơ quan Bảo vệ an ninh cùng cấp xét duyệt về nội dung cần đưa tin.
+ Điều 24 Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng có quy định về các mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ công trình quốc phòng và khu quân sự cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự không được phép của cấp có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ khu vực bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự không được phép của cấp có thẩm quyền.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi quay phim, chụp ảnh, đo, vẽ khu vực cấm của công trình quốc phòng và khu quân sự không được phép của cấp có thẩm quyền.
4. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm Điều này còn bị tịch thu tang vật, nếu vi phạm khoản 2, khoản 3 Điều này còn bị tịch thu phương tiện dùng để vi phạm.
Như vậy, việc xử phạt của công an (phạt tiền và tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm - là chiếc máy ảnh của chồng bạn) là đúng với các quy định của pháp luật hiện hành. Lý do xử phạt, việc xác định hành vi vi phạm, mức xử phạt, các hình thức phạt bổ sung được thể hiện rõ trong quyết định xử phạt hành chính. Bạn muốn biết rõ thông tin về việc xử phạt có thể liên hệ trực tiếp cơ quan ra quyết định xử phạt.
Thư Viện Pháp Luật