Xác nhận tình trạng hôn nhân cho người chết
Ngân hàng yêu cầu như vậy là đúng. Vì: Khi em bạn chết, toàn bộ tài sản bao gồm khoản tiền trong sổ tiết kiệm của em bạn được coi là di sản thừa kế và được chia cho những người thừa kế theo pháp luật (trừ trường hợp em bạn để lại di chúc). Người thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự tại Điều 676 Bộ luật Dân sự:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Đối chiếu với các quy định trên, người thừa kế được hưởng di sản của em bạn gồm: bố, mẹ bạn. Vì em bạn chưa kết hôn nên gia đình bạn phải cung cấp cho Ngân hàng giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân để chứng minh: ngoài bố mẹ bạn ra, em gái bạn không còn người thừa kế nào khác.
Về việc xin xác nhận tình trạng hôn nhân cho em gái bạn: Điều 66 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó.
Đối với trường hợp đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau như em bạn, việc xác nhận tình trạng hôn nhân có thể được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, cụ thể như sau:Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.
Hướng dẫn là như vậy nhưng do em bạn đã chết nên việc người đi xin xác nhận tình trạng hôn nhân viết cam đoan về tình trạng hôn nhân của em bạn có thể gặp khó khăn. Trong trường hợp Ủy ban nhân dân phường nơi thường trú trước khi chết của em bạn không chấp nhận để cam đoan như vậy thì gia đình bạn có thể về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú trước đây (tại Lạng Sơn) để xin xác nhận về tình trạng hôn nhân của em bạn trong thời gian cư trú trước 01/01/2010.
Thư Viện Pháp Luật