Ngăn chặn giao dịch về nhà ở
Vì giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã được chuyển tên sang anh bạn nên đương nhiên anh bạn có các quyền của chủ sở hữu nhà ở quy định tại Điều 21 Luật Nhà ở: Bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý, thế chấp nhà ở thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo những gì bạn trình bày thì chúng tôi hiểu rằng: việc gia đình bạn làm công chứng tặng nhà ở cho anh bạn chỉ với mục đích để anh bạn thực hiện thủ tục thế chấp theo quy định của pháp luật, chứ không phải là tặng cho thực sự. Do vậy, gia đình bạn có thể yêu cầu anh trai bạn trả lại ngôi nhà và làm thủ tục sang tên lại cho gia đình bạn quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật; hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu ngôi nhà này. Nhưng trường hợp của gia đình bạn là khá rắc rối vì liên quan đến quyền lợi của ngân hàng (bên cho vay và nhận bảo đảm là quyền sở hữu nhà mang tên anh bạn) nên khi giải quyết cũng phải bảo đảm quyền lợi cho ngân hàng.
Về thủ tục ngăn chặn như bạn nói thì: Khi đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì bạn có thể yêu cầu cơ quan đó làm thủ tục ngăn chặn việc anh bạn thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trong thời gian chờ đợi thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu ngăn chặn đến các tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh/thành phố nơi có đất (để ngăn chặn việc anh bạn chuyển dịch tài sản) và các cơ quan có thẩm quyền như văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận, huyện nơi có đất, ngân hàng nơi anh bạn đang vay tiền… Nhưng bạn nên lưu ý: thông tin mà bạn gửi đến chỉ có tư cách là thông tin tham khảo để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân nhắc khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của anh bạn (vì tài sản đứng tên anh bạn nên việc chuyển dịch tài sản đó là quyền hợp pháp của anh bạn). Việc gửi công văn ngăn chặn chỉ được gửi bởi cơ quan có thẩm quyền như: Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất…
Thư Viện Pháp Luật