Thu phí thi hành án tương ứng với số tiền chi trả
Quy định về phí thi hành án dân sự hiện nay tại Điều 60 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ và Thông tư số liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22/09/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
Theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ thì mức phí thi hành án là 3% (ba phần trăm) trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp Tòa án không tuyên giá trị của tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án dân sự chi trả từ nguồn phí thi hành án được để lại. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thu phí thi hành án để thực hiện việc thu phí thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản cho người được thi hành án. Người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao cho người được thi hành án để bảo đảm thu hồi tiền phí thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản để thu phí do người được thi hành án chi trả.
Như vậy, khi chi trả tiền thì cơ quan thi hành án dân sự thu phí tương ứng với khoản tiền mà người được hi hành án được nhận ở thời điểm đó. Vì thế, nếu Công ty bạn chưa nhận được tiền thi hành án của tháng 8 và tháng 9/2014 thì cơ quan thi hành án dân sự chưa có cơ sở thu phí thi hành án của hai tháng đó
Thư Viện Pháp Luật