Thẩm quyền công chứng, chứng thực việc khai nhận di sản là bất động sản

Một người khi mất để lại di sản là tài sản ở nhiều nơi. Hỏi: Các đồng thừa kế muốn phân chia di sản thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản được chứng thực tại UBND xã nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản hay phải đến tất cả UBND xã nơi có bất động sản để chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản?

1. Trước hết chúng tôi xin lưu ý để bạn rõ hơn về thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch nói chung và chứng thực văn bản khai nhận thừa kế nói riêng của Ủy ban nhân dân cấp xã: Trước năm 2007, bên cạnh Phòng công chứng nhà nước, UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch theo trình tự, thủ tục hướng dẫn tại Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực. Nhưng đến năm 2007, Luật Công chứng số 82/2006/QH11 và Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký ra đời đã phân định rõ thẩm quyền của UBND cấp xã là cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chuyển toàn bộ việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng. Hiện nay, chỉ có những địa bàn cấp tỉnh, huyện chưa có tổ chức công chứng thì UBND cấp xã mới có quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Chính vì vậy, khi phân chia di sản, gia đình bạn phải đến tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế. Nếu trên địa bàn huyện đó chưa có tổ chức hành nghề công chứng thì gia đình bạn có thể sang địa bàn khác để yêu cầu công chứng hoặc yêu cầu chứng thực tại UBND cấp xã.

2. Về thẩm quyền công chứng văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản là bất động sản.

Thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch theo địa hạt được quy định tại Điều 37 Luật Công chứng như sau: Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở; với những trường hợp sau đây thì không phụ thuộc vào quy định về địa hạt: công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản.

Luật Công chứng hạn chế thẩm quyền công chứng về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố. Do vậy, nếu di sản là bất động sản ở nhiều nơi nhưng vẫn trong một tỉnh thành thì có thể yêu cầu bất kỳ một tổ chức công chứng nào trong địa bàn tỉnh thành đó để công chứng văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Nếu di sản là bất động sản ở nhiều nơi và ở nhiều tỉnh thành khác nhau thì bất động sản ở đâu phải yêu cầu công chứng trên địa bàn tỉnh đó.

Như vậy thì vấn đề thẩm quyền công chứng về bất động sản chỉ phụ thuộc vào bất động sản đó nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố nào chứ không phụ thuộc vào nơi cư trú cuối cùng của người mất. Nơi cư trú cuối cùng của người mất chỉ có ý nghĩa khi thực hiện thủ tục niêm yết thông báo về việc khai nhận di sản thừa kế (đây là một thủ tục quan trọng khi công chứng văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nhằm: xác định đúng di sản là tài sản thuộc sở hữu/sử dụng của người để lại di sản, xác định người thừa kế…).

Lưu ý: Trong trường hợp di sản là bất động sản nằm trên địa bàn huyện không có tổ chức công chứng thì theo như đã trình bày ở phần một, gia đình bạn có thể yêu cầu công chứng việc khai nhận thừa kế tại tổ chức công chứng trên địa bàn khác trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi có bất động sản đó. Nếu ở quá xa nơi có tổ chức hành nghề công chứng thì bạn có thể yêu cầu chứng thực tại UBND xã.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Công chứng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào