Thời hiệu thi hành án dân sự
Liên quan đến các vấn đề bạn hỏi có một số quy định pháp luật sau:
Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 quy định về Thời hiệu thi hành án. (Pháp lệnh này đến nay đã hết hiệu lực pháp luật tuy nhiên được áp dụng trong thời điểm diễn ra vụ việc bạn hỏi)
1- Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án là cá nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu người được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.
Thời hạn được tính theo ngày nhận đơn, nếu đơn được trực tiếp đưa đến cơ quan thi hành án; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu đơn gửi qua bưu điện.
Trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án được trả lại cho người có đơn yêu cầu thi hành án do người phải thi hành án không có tài sản để thi hành theo quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh này, thì thời hạn ba năm được tính từ ngày người phải thi hành án có điều kiện thi hành.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ, thì thời hạn ba năm được tính từ ngày việc thi hành bị ngừng.
2- Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan, tổ chức được thi hành án có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án để yêu cầu thi hành án. Hết thời hạn đó, nếu cơ quan, tổ chức được thi hành án không yêu cầu thi hành, thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành.
Thời hạn được tính theo ngày nhận đơn, nếu đơn được trực tiếp đưa đến cơ quan thi hành án; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu đơn gửi qua bưu điện.
3- Trong trường hợp người được thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan nên không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn, thì thời hạn thi hành án được tính từ khi trở ngại đó không còn.
Việc khôi phục thời hiệu thi hành án do thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án xét và quyết định.
- Khoản 5 Điều 9 Nghị định 69/CP ngày 18/10/1993 Quy định thủ tục thi hành án dân sự quy định những sự kiện sau đây được coi là trở ngại khách quan làm cho người được thi hành án không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn: a) Người được thi hành án không nhận được bản sao bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; b) Người được thi hành án vắng mặt ở nơi thi hành án trong một thời gian dài do yêu cầu công tác, chữa bệnh hoặc vì lý do khách quan khác; người được thi hành án chết mà chưa xác định được người thừa kế, trừ trường hợp quy định tại điểm 2 Điều 26 của Pháp lệnh Thi hành án dân sự; c) Do thiên tai, hoả hoạn; d) Do lỗi của cơ quan thi hành án. (đã hết hiệu lực pháp luật)
Theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định: Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa; b) Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định của pháp luật nếu hết thời hiệu thi hành án mà người được thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, và người được thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thụ lý thi hành.
Với trường bạn hỏi, bạn nên làm đơn kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp nơi Chi cục Thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án để được xem xét việc Chi cục Thi hành án dân sự khôi phục lại thời hiệu để ra quyết định thi hành án có đúng quy định pháp luật hay không, vì Viện Kiểm sát là cơ quan có thẩm quyền kháng nghị quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
Thư Viện Pháp Luật