Khách thể của sở hữu Nhà nước
Khách thể của sở hữu Nhà nước bao gồm những tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Theo điều 200, BLDS 2005 quy định: “Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định”. Đối với đất đai bao gồm toàn bộ đất đai thuộc lãnh thổ Việt Nam thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước chiếm hữu, sử dụng đất đai trên cơ sở giao đất cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng. Đối với rừng tự nhiên và rừng trồng bằng ngân sách Nhà nước đều thuộc Nhà nước. Tất cả thảm thực vật, động vật và nguồn gen gắn liền với rừng thuộc sở hữu Nhà nước. Sông hồ, mặt nước tự nhiên hoặc nhân tạo bằng ngân sách Nhà nước thì thuộc về Nhà nước. Các loại tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất (khoáng sản…) các loại sinh vật, tài nguyên khác dưới nước thuộc vùng biển Việt Nam, vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam cũng thuộc vào sở hữu Nhà nước. Ngoài ra, còn có các loại tài sản vô chủ theo quy định của sở hữu Nhà nước. Ngân sách Nhà nước có được từ việc nộp thuế của người dân, từ việc khai thác các lợi ích khác của Nhà nước như đầu tư kinh doanh hoặc góp vốn kinh doanh với các doanh nghiệp khác, những tài sản Nhà nước được hiến tặng…
Thư Viện Pháp Luật