Thẩm quyền đăng ký kết hôn
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ. Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật này quy định việc tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn là một trong các hành vi bị cấm thực hiện.
Như vậy, việc 2 bên gia đình của hai bạn cản trở việc 2 bạn kết hôn, thậm chí yêu cầu người nhà làm tại UBND không không xác nhận tình trạng hôn nhân là trái quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng như vi phạm pháp luật về cán bộ, công chức. Trong trường hợp này, áp dụng khoản 2 Điều 55 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì mức xử phạt đối với hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác". Thậm chí còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Cụ thể, tại Điều 146 Bộ luật Hình sự thì người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Về việc hai bạn hỏi có được đăng ký kết hôn ở một địa phương khác không phải là một trong hai nơi thường trú hiện nay và chỉ có hai loại giấy tờ như đã nêu không? Chúng tôi xin trả lời như sau:
Khoản 1 Điều 17 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về việc đăng ký và quản lý hộ tịch quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ. Đồng thời, khoản 1 Điều 18 Nghị định trên quy định trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó. Do đó, hai bạn có thể đăng ký kết hôn tại 1 địa phương khác (có thể là nơi tạm trú) nhưng phải có xác nhận tình trạng hôn nhân của UBND cấp xã nơi thường trú. Vì vậy, hai bạn cần giải thích để công chức tư pháp, hộ tịch biết về hành vi không xác nhận tình trạng hôn nhân của mình là hành vi cản trở kết hôn tự nguyện được quy định trong pháp luật hôn nhân và gia đình và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (như đã nêu trên).
Thư Viện Pháp Luật