Phạm tội đưa hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự

Quy định về tội đưa hối lộ thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 289 Bộ luật hình sự?

 a) Có tổ chức
 
Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, đưa hối lộ có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án đưa hối lộ có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự.
 
Đưa hối lộ có tổ chức thường khó bị phát hiện vì có sự câu kết, phân công vai trò, trách nhiệm của từng người đồng phạm nên khó phát hiện. Điển hình cho việc đưa hối lộ có tổ chức là vụ án Tân Trường Sanh, vụ Anh Lâm và vụ Năm Cam. Việc đưa hối lộ của Trần Đàm, Anh Lâm và Năm Cam được tổ chức rất tinh vi. Trong một thời gian dài, Trần Đàm và Anh Lâm giao cho thuộc hạ đưa tiền cho cán bộ hải quan và rất nhiều tỉnh trong mỗi lần nhận hàng lậu hoặc mỗi lần hải quan tổ chức kiểm hóa hàng lậu. Năm Cam cũng giao cho “đàn em” móc nối với một số cán bộ có chức có quyền và đưa hối lộ để chạy tội. Chỉ khi cơ quan điều tra phát hiện hành vi phạm tội của Trần Đàm, của Anh Lâm và Năm Cam thì hành vi đưa hối lộ mới bị phát hiện.
 
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt
 
Dùng thủ đoạn xảo quyệt để đưa hối lộ là người phạm tội có những mánh khóe, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người nhận hối lộ hoặc những người khác khó lường trước được đề phòng.
 
Những mánh khóe, cách thức mà người đưa hối lộ dử dụng để đưa hối lộ rất đa dạng, nhưng chỉ coi là dùng thủ đoạn xảo quyệt đối với những mánh khóe, cách thức làm cho người nhận không thể từ chối hoặc nếu biết cũng không thể đối phó được như: đưa hối lộ nhưng núp dưới hình thức quà tặng nhân ngày sinh nhật, ngày lễ, tết, nhân đám tang, đám cưới, tân gia, chi phí cho một chuyến du lịch, tham quan nước ngoài; cho vay tiền nhưng “quên” không đòi, bán nhà, đất với giá rẻ hoặc mua tài sản với giá rất đắt…
 
Nói chung, những mánh khóe, cách thức đưa hối lộ mà người đưa hối lộ sử dụng rất khó phát hiện hoặc nếu có bị phát hiện thì khó tìm được chứng cứ để buộc tội họ.
 
c) Dùng tài sản Nhà nước để đưa hối lộ
 
Dùng tài sản của Nhà nước để hối lộ là người đưa hối lộ lấy tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ cho người khác.
 
Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 279 đối với tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, trường hợp phạm tội này thường đối với người đưa hối lộ là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội đã dùng tiền hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức của mình để đưa hối lộ cho người khác với động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Ví dụ: dùng tiền của công ty để đưa hối lộ để được giảm thuế nhập khẩu, để được cấp quota, để được chúng thầu, để che giấu hành vi phạm tội của mình…
 
Như các phần trên đã phân tích (ở khoản 2 Điều 279), có thể còn ý kiến khác nhau về thế nào là tài sản của Nhà nước, nhưng về nguyên tắc, tài sản của Nhà nước phải thuộc sở hữu của Nhà nước. Nếu tài sản đó Nhà nước chỉ có quyền sở hữu một phần dù đó là phần lớn thì cũng chưa thể coi đó là tài sản của Nhà nước.
 
d) Phạm tội nhiều lần
 
Phạm tội đưa hối lộ nhiều lần là có từ hai lần đưa hối lộ trở lên và mỗi lần đưa hối lộ đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần.
 
đ) Của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng
 
Đây là trường hợp người phạm tội đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm đưa hối lộ hoặc đã hứa đưa hối lộ. Ví dụ: Trần Văn T mua chiếc xe máy Dream II Trung Quốc với giá 13 triệu đồng, nhưng đua hối lộ cho Phạm Văn B thì giá xe của Trung Quốc chỉ còn 9 triệu đồng. Nếu tính gía trị chiếc xe khi T mua thì T phạm tội đưa hối lộ thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự, nhưng nếu tính giá trị chiếc xe vào thời điểm T đưa hối lộ cho B thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 289. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị của hối lộ thì phải trưng cầu giám định (định giá).
 
Điều luật quy định của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, chứ không quy định người phạm tội đã đưa được của hối lộ có giá trị như trên, nên chỉ cần xác định người phạm tội có ý định đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 289, còn người phạm tội đã đưa được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc.
 
e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác
 
Tương tự như đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm e khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, nên có ý kiến cho rằng hậu quả nghiêm trọng khác và hậu quả nghiêm trọng không phải là một.
 
Nếu sự phân biệt trên là có căn cứ thì khoản 1 của điều luật quy định hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định đâu là hậu quả trực tiếp, còn đâu là hậu quả gián tiếp do hành vi đưa hối lộ gây ra vì các thiệt hại khác đều là những thiệt hại gián tiếp do hành vi đưa hối lộ gây ra và nó chỉ là hậu quả khác. Do đó, có ý kiến cho rằng, khoản 1 của điều luật cũng nên quy định gây hậu quả khác mới chính xác.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 289 thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm, là tội phạm rất nghiêm trọng. Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội đưa hối lộ theo khoản 2 Điều 289, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở nên, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới sáu năm tù) nhưng không được dưới một năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới mười ba năm tù. Khi cân nhắc để quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội đưa hối lộ, Tòa án cũng cần căn cứ vào các nguyên tắc đã được nêu ở tội tham ô tài sản.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm về chức vụ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào