Định đoạt nhà đất từ đường
Điều 670 Bộ luật Dân sự quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng: “Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.”
Đối chiếu với quy định trên thì di sản đã được cha mẹ bạn lập di chúc dành vào việc thờ cúng và người quản lý di sản thờ cúng là bạn. Như vậy, ngôi nhà đó chỉ được sử dụng vào mục đích đã được định đoạt trong di chúc. Bạn và những người thừa kế khác của cha mẹ bạn không được chia thừa kế đối với ngôi nhà đó. Tức là bạn chỉ có quyền quản lý ngôi nhà và thực hiện việc thờ cúng hàng năm theo di chúc mà không được làm thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu đối với ngôi nhà đó (Thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan công chứng và thủ tục đăng ký sang tên tại cơ quan đăng ký nhà đất có thẩm quyền).
Do không thể đứng tên chủ sở hữu trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nên bạn không thực hiện được quyền định đoạt đối với ngôi nhà như mua bán, thế chấp, tặng cho … Vì một trong những điều kiện được tham gia các giao dịch về nhà ở quy định tại Điều 91 Luật Nhà ở là: có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Thư Viện Pháp Luật