Đối tượng của đặt cọc
Trong quan hệ đặt cọc, hành vi của các bên chủ thể sẽ tác động vào một tài sản cụ thể nào đó. Những tài sản này chính là đối tượng của biện pháp đặt cọc. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 358 BLDS 2005 thì đối tượng của đặt cọc là “một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác”, tức là những vật có giá trị hoặc các vật thông thường khác mà một bên giao trực tiếp cho bên kia. Tuy nhiên để trở thành đối tượng của biện pháp đặt cọc, các tài sản theo quy định phải đáp ứng điều kiện luậtđịnh.
Tiền là đối tượng của đặt cọc phải là Đồng Việt Nam, không thể là ngoại tệ, (theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005). Năm 2002, TAND tối cao đã có công văn hướng dẫn nghiệp vụ: “Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các giao dịch giữa các cá nhân về vay ngoại tệ có lãi là vô hiệu”. Theo đó, các hợp đồng nói chung cũng như hợp đồng đặt cọc nói riêng có đối tượng là ngoại tệ đều bị vô hiệu nhưng thực tiễn xét xử lại không ít các bản án của Tòa án lại tuyên bố hợp đồng không vô hiệu.
Tài sản đặt cọc là kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác.
Thông qua quy định tại Khoản 1 Điều 358 BLDS 2005 có thể nhận thấy tài sản đặt cọc chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp gồm: tiền, kim khí quý, đá quý hoặc các tài sản có giá trị khác mà không bao gồm các quyền tài sản, bất động sản như trong các biện pháp bảo đảm khác. Và các tài sản là đối tượng của biện pháp đặt cọc phải thuộc sở hữu của bên đặt cọc hoặc có thể thuộc sở hữu của người khác nhưng phải được chủ sở hữu đồng ý. Các tài sản này cũng phải là những tài sản được lưu thông dân sự và tính được giá trị. Các vật cấm lưu thông dân sự hoặc hạn chế lưu thông thì không thể là đối tượng của đặt cọc.
Thư Viện Pháp Luật