Kết hôn trái pháp luật và quyền nuôi con sau khi ly hôn
1. Đối với vấn đề kết hôn trái pháp luật khi vi phạm điều kiện kết hôn về độ tuổi
Điểm d.1 mục 2 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định về huỷ kết hôn trái pháp luật như sau:
“d.1. Đối với những trường hợp kết hôn khi một bên hoặc cả hai bên chưa đến tuổi kết hôn là vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại điểm 1 Điều 9. Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp mà quyết định như sau:
- Nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà một bên hoặc cả hai bên vẫn chưa đến tuổi kết hôn thì quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
- Nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên tuy đã đến tuổi kết hôn, nhưng cuộc sống của họ trong thời gian đã qua không có hạnh phúc, không có tình cảm vợ chồng, thì quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
- Nếu đến thời điểm có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đã đến tuổi kết hôn, trong thời gian đã qua họ chung sống bình thường, đã có con, có tài sản chung thì không quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật. Nếu mới phát sinh mâu thuẫn và có yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung”.
Như vậy, anh trai bạn kết hôn với người vợ khi mới 16 tuổi là vi phạm điều kiện kết hôn về độ tuổi kết hôn theo quy định theo quy định tại điểm 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Tuy nhiên, vợ chồng anh trai bạn đã đăng ký kết hôn khi người vợ đã bước sang tuổi 18, có nghĩa là hôn nhân đã được pháp luật công nhận. Do đó, đây không phải là kết hôn trái pháp luật và anh trai bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự về hành vi giao cấu với trẻ vị thành niên cũng như không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chị dâu bạn. Trường hợp này, khi vợ chồng anh trai bạn có yêu cầu ly hôn, Toà án sẽ thụ lý vụ án để giải quyết ly hôn theo thủ tục chung.
2. Đối với vấn đề trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn
Điểm d mục 11 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định cụ thể như sau:
“d. Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.
Về nguyên tắc, con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con, nếu các bên không có thoả thuận khác”.
Như vậy, về nguyên tắc vợ, chồng anh trai bạn khi ly hôn có thể thoả thuận về người trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Tuy nhiên, do cháu bé hiện mới được gần 3 tuổi (tức là dưới 36 tháng tuổi) nên sau khi anh chị bạn ly hôn, chị dâu bạn sẽ được quyền nuôi con nếu anh chị bạn không có thoả thuận nào khác.
Trường hợp anh trai bạn muốn được trực tiếp nuôi cháu bé thì phải căn cứ vào quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, cụ thể là: “Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên”. Như vậy, trường hợp chị dâu bạn không có điều kiện chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì anh trai bạn hoàn toàn có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con. Sau khi thụ lý đơn, Tòa án sẽ xem xét quyền lợi về mọi mặt của cháu bé. Nếu xét thấy chị dâu bạn không đảm bảo được các quyền lợi của con (như điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là các điều kiện cần thiết cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm về việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con) trong khi đó, anh trai bạn lại đáp ứng được đầy đủ được những điều kiện này thì Tòa án sẽ ra quyết định chuyển quyền nuôi con cho anh trai bạn.
Thư Viện Pháp Luật