Từ chối nhận con và ly hôn
1. Đối với vấn đề từ chối nhận con.
Điều 63 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định:
“Điều 63. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định.”
Theo đó, mục 5 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì khi có người yêu cầu Tòa án xác định người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ; về nguyên tắc người có yêu cầu phải cung cấp chứng cứ. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định gien.
Như vậy, trường hợp bạn không thừa nhận 02 cháu bé là con của mình thì bạn phải làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang thường trú. Kèm theo đơn bạn phải cung cấp các chứng cứ cho Tòa án để Tòa án xem xét việc từ chối nhận con của bạn là có cơ sở.
2. Đối với vấn đề yêu cầu xin ly hôn.
Theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và quy định tại mục 6 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi người vợ đang có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, không phân biệt người vợ có thai với ai hoặc bố của đứa trẻ dưới 12 tháng tuổi là ai. Vì thế, nếu bạn có đơn xin ly hôn vào thời điểm vợ bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì Tòa án có thể bác yêu cầu xin ly hôn của bạn hoặc trả lại đơn trong trường hợp chưa thụ lý vụ án ly hôn.
Thư Viện Pháp Luật