Quy định về tội đưa hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự

Quy định về tội đưa hối lộ thuộc khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự?

Khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự quy định:
 
"4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
 
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
 
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác". Cụ thể, các trường hợp thuộc khoản 4 Điều 289 được hiểu như sau:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên.

Cũng như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2, điểm a khoản 3 của điều luật, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm đưa của hối lộ hoặc đã hứa đưa hoặc nhận hối lộ; chỉ cần xác định người phạm tội sẽ đưa của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở nên là thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 289, còn người phạm tội đã đưa được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc; nếu người phạm tội chưa đưa hoặc mới đưa được một phần của hối lộ, thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác
 
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi đưa hối lộ gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Cũng như đối với tội nhận hối lộ, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra, nhưng căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, đối chiếu với hướng dẫn về các tội phạm khác trong Bộ luật hình sự, thì có thể xác định được các thiệt hại là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ hai mươi năm hoặc tù trung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
 
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội đưa hối lộ theo khoản 4 Điều 289, Tòa án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở nên, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới hai mươi năm tù) nhưng không được dưới mười ba năm tù. Nếu người phạm tội có tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu thì có thể áp dụng hình phạt tù chung thân.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào