Chia di sản của vợ khi vợ có con riêng

Trước khi chúng tôi kết hôn, vợ tôi có một đứa con riêng 10 tuổi và được ba mẹ cho một nền nhà và vợ tôi đứng tên. Sau đó vợ tôi được cha mẹ cho tiền cất 1/3 căn nhà trên mảnh đất đó. Sau khi chúng tôi kết hôn và chúng tôi tiếp tục cất thêm 2/3 căn nhà còn lại. Hiện căn nhà chưa có ai đứng tên. Nay vợ tôi mất, thì tài sản đất và nhà được chia như thế nào?

Theo quy định của Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vợ, chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật thừa kế. Vì vậy, sau khi vợ bạn mất, bạn được hưởng một phần tài sản nằm trong khối tài sản chung của hai vợ chồng và một phần tài sản được thừa kế từ tài sản riêng của vợ.

Việc trước tiên là xác định trong khối tài sản nhà và đất, đâu là tài sản riêng của vợ bạn và đâu là tài sản chung của hai vợ chồng.

Như bạn trình bày, trước khi vợ chồng bạn kết hôn, người vợ đã có một nền nhà được đứng tên và một căn nhà được xây dựng trên 1/3 nền nhà nên theo quy định tại Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đây được coi là tài sản riêng của người vợ. Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 và hướng dẫn tại Điều 13 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 30/11/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình thì “Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Hôn nhân và gia đình phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, nếu vợ chồng bạn không có thoả thuận bằng văn bản về việc nhập tài sản riêng của vợ bạn vào khối tài sản chung của vợ chồng thì tài sản chung vợ chồng bạn chỉ được xác định bằng giá trị của 2/3 căn nhà còn lại. Về nguyên tắc, bạn chỉ có quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với một nửa giá trị 2/3 căn nhà này mà thôi.

Toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất và 1/3 giá trị căn nhà cũng như một nửa giá trị còn lại của 2/3 căn nhà bạn đang ở đều thuộc khối di sản thừa kế do vợ bạn để lại. Do đó, nếu vợ bạn chết mà không để lại di chúc, việc phân chia di sản thừa kế của vợ bạn sẽ theo quy định của pháp luật về thừa kế. Cụ thể là, theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Như vậy, đối với di sản thừa kế của vợ bạn, bạn, cha mẹ đẻ của vợ bạn (nếu cha, mẹ còn sống) và con riêng của vợ bạn, con chung của hai vợ chồng (nếu có) thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên đều có quyền hưởng di sản thừa kế là nhà và đất do vợ bạn để lại. Bạn có thể làm đơn yêu cầu tòa án chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào