Sang tên quyền sử dụng đất cho con chưa thành niên và con đã thành niên

Tôi có 2 con, cháu lớn 19 tuổi và cháu bé 8 tuổi. Tôi có một lô đất muốn chuyển tên sổ đỏ cho các con có được không? Thủ tục như thế nào?

1. Điều 106 Luật Đất đai quy định người sử dụng đất có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu bạn là chủ sử dụng đất thì bạn đương nhiên có quyền chuyển tên cho các con của mình (kể cả người con 8 tuổi). Trong trường hợp này bạn có thể làm thủ tục tặng cho hoặc chuyển nhượng; cả hai thủ tục đều được miễn thuế thu nhập cá nhân (Khoản 1, 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân) nhưng nếu muốn cho riêng con mình tài sản thì bạn nên làm hợp đồng tặng cho.

2. Thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất.

a. Lập hợp đồng tặng cho có công chứng của tổ chức công chứng (thủ tục quy định tại Luật Công chứng).

- Bạn gửi hồ sơ (bản chính và một bản sao) yêu cầu công chứng tại tổ chức công chứng địa bàn nơi có đất gồm: giấy tờ tùy thân của hai vợ chồng và các con; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy khai sinh của các con (để làm thủ tục miễn thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế).

- Bạn có thể tự lập hợp đồng hoặc làm theo mẫu hợp đồng của tổ chức công chứng đó.

- Sau khi ký hợp đồng và nộp phí công chứng, bạn sẽ nhận được hợp đồng có chứng nhận của công chứng để tiến hành thủ tục đăng ký sang tên tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Lưu ý: Đối với cháu lớn 19 tuổi thì cháu có thể tự mình đứng ra lập và ký hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Còn với cháu bé 8 tuổi (chưa thành niên) thì thủ tục có phức tạp hơn. Thực tế hiện nay, có một số quan điểm cho rằng nên từ chối công chứng hợp đồng tặng cho từ bố mẹ sang con chưa thành niên vì: Cha mẹ là người đại diện đương nhiên của con chưa thành niên (Điều 141 Bộ luật Dân sự) nên có quyền thực hiện các giao dịch thay cho con. Trường hợp của bạn, nếu làm hợp đồng tặng cho thì bạn sẽ vừa đứng bên tặng cho vừa đứng bên nhận tặng cho với tư cách là người đại diện. Như vậy là vi phạm khoản 5 Điều 144 BLDS: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Để giải quyết vướng mắc trên thì các tổ chức công chứng có thể để bạn lập văn bản (giấy) cam kết tặng cho con. Cách làm này không trái với quy định của pháp luật đồng thời đảm bảo được quyền lợi của gia đình bạn.

b. Thủ tục đăng ký sang tên tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

- Khi có văn bản tặng cho công chứng, bạn nộp một bộ hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng tài nguyên và môi trường quận, huyện trên địa bàn nơi có đất: bản sao giấy tờ tùy thân của các bên; hai bản chính văn bản tặng cho; bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, gia đình bạn được văn phòng đăng ký cấp cho Giấy chứng nhận mang tên hai người con của bạn.

Lưu ý: Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên người con 8 tuổi của bạn, đồng thời sẽ ghi tên người đại diện của cháu (chính là vợ chồng bạn). Đến năm con bạn đủ 18 tuổi thì có thể đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm thủ tục đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bỏ phần đại diện).

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quyền sử dụng đất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào