Chấp hành viên có thẩm quyền sao y bản chính bản án không?
Sao y bản chính là việc sao chép nguyên văn cả về hình thức và nội dung của văn bản chính và có dấu thị thực của cơ quan nhà nước. Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, cơ quan có thẩm quyền xác nhận sao y bản chính các tài liệu, văn bản gốc là các công chứng viên, người đại diện có thẩm quyền của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội ban hành văn bản được sao y, cơ quan nào đã ban hành văn bản thì cơ quan đó có thẩm quyền cấp bản sao văn bản.
Về thẩm quyền sao y bản chính đối với bản ánl, thì bản án à một trong những văn bản đặc thù phải tuân thủ theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành. Điều 241 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án đương sự sẽ được Tòa án giao hoặc gửi bản án cho các đương sự khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp và trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên tòa các đương sự sẽ được Tòa án cấp trích lục bản án nếu có yêu cầu. Do đó, bản án chỉ được cơ quan duy nhất là Tòa án nhân dân sao từ bản chính dưới hình thức trích lục. Tuy nhiên, hiện nay cũng có ý kiến cho rằng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 thì Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và UBND cấp xã cũng có thẩm quyền chứng thực bản án của Tòa án nhân dân vì UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. Bản án là một trong những văn bản bằng tiếng Việt nên thỏa mãn các điều kiện về đối tượng chứng thực mà Nghị định 79 quy định nên ý kiến thứ hai cho rằng UBND cấp xã hoàn toàn có thẩm quyền chứng thực bản án của Tòa án nhân dân.
Đối với cơ quan thi hành án dân sự thì do không phải là cơ quan ra bản án và cũng không phải là cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP nêu trên, nên về nguyên tắc không có thẩm quyền sao y bản chính đối với bản án. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự cho thấy trong một số trường hợp cần phải sao chụp hồ sơ thi hành án, trong đó có bản án của Toà án để gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu phục vụ cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm sát, giám sát, hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án hoặc trong trường hợp lưu lại hồ sơ làm căn cứ cho việc kiểm tra, theo dõi việc thi hành án đó khi thực hiện uỷ thác thi hành án, vì vậy cơ quan thi hành án dân sự xác nhận tài liệu phô tô đó bằng hình thức đóng dấu sao y bản chính, đóng dấu của cơ quan thi hành án và có chữ ký, họ tên của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Chấp hành viên hoặc người khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền. Việc sao các tài liệu của hồ sơ thi hành án dân sự, trong đó có bản án, quyết định của Toà án chỉ có ý nghĩa trong nội bộ Ngành thi hành án dân sự hoặc phục vụ những hoạt động liên quan đến việc thi hành án nêu trên, mà không có ý nghĩa như quy định về sao y bản chính tại Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP nêu trên.
Thư Viện Pháp Luật