Nhập khẩu sau khi ly hôn
Đối với trường hợp ly hôn thông thường sau Bản án ly hôn do Toà án tuyên, người vợ hoặc người chồng sẽ không cùng chung sống dưới một mái nhà mà chuyển sang nơi ở mới. Việc nhập hộ khẩu hoặc chuyển hộ khẩu sau khi ly hôn sẽ tuân thủ trình tự, thủ tục theo các quy định pháp luật về cư trú.
Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 quy định về nơi cư trú của công dân như sau:
“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”.
Như vậy, sau khi ly hôn, người ly hôn có thể nhập hộ khẩu (đăng kí thường trú) tại nơi chuyển đến sinh sống, có thể là nhà ở thuộc sở hữu của người đó hoặc nhà được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, mà không nhất thiết phải là nhà thuộc sở hữu. Bạn phải làm thủ tục đăng kí tạm trú, tạm vắng tại nơi ở mới trước khi làm thủ tục chuyển hộ khẩu hoặc nhập hộ khẩu theo quy định. Bạn có thể tham khảo các quy định tại Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 về cư trú để biết thêm về hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập hộ khẩu hoặc chuyển khẩu.
Thư Viện Pháp Luật