Cải chính hộ tịch
Điểm e khoản 1 mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định về việc xác định họ và quê quán cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như sau:
“Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ”.
Như vậy, về nguyên tắc, pháp luật quy định dù theo tập quán hay theo sự thỏa thuận, lựa chọn của cha, mẹ thì khi khai sinh, đứa trẻ cũng chỉ có thể mang họ của cha hoặc của mẹ chứ không thể mang họ khác được (Ví dụ: cha họ Tạ, mẹ họ Đỗ thì con không thể mang họ Nguyễn được). Do đó, nếu bạn muốn con mình khi đăng ký khai sinh được mang họ của ông nội cháu thì sẽ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.
Vì chồng bạn là con ngoài giá thú nên được khai sinh theo họ của mẹ (họ Tạ) mà không mang họ của cha (họ Nguyễn). Do vậy, trường hợp bạn vẫn muốn con mình mang họ của ông nội cháu thì chồng bạn cũng phải mang họ Nguyễn giống họ của ông. Có nghĩa là chồng bạn phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi vợ chồng bạn đang cư trú theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch và thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch để thay đổi họ của chồng bạn, từ họ Tạ thành họ Nguyễn trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đã đăng ký khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Sau khi chồng bạn hoàn thành thủ tục thay đổi họ trong Giấy khai sinh từ họ Tạ sang họ Nguyễn thì bạn mới có thể khai sinh cho con bạn theo họ của ông nội cháu (họ Nguyễn).
Bạn có thể tham khảo các quy định nói trên để biết trình tự, thủ tục phải thực hiện trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thư Viện Pháp Luật