Quyền bảo vệ quyền nhân thân được quy định như thế nào?
Quyền bảo vệ quyền nhân thân được quy định như thế nào?
Việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân là một khâu trong cơ chế bảo đảm việc thực hiện quyền nhân thân của cá nhân. Tuy vậy, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân một cách tùy tiện cũng có thể xâm phạm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Vì vậy pháp luật đã phải quy định các phương thức, biện pháp bảo vệ quyền nhân thân trong trường hợp bị xâm phạm. Việc bảo vệ quyền nhân thân thuộc nhiệm vụ của nhiều nghành luật: hành chính, hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình. Mỗi nghành luật khác nhau có cách bảo vệ quyền nhân thân khác nhau.
Chẳng hạn, nghành luật hành chính sử dụng các chế tài hành chính như phạt tiền. Bộ Luật Hình sự 2015 đã dành toàn bộ chương XII và chương XIII để quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người và các tội xâm phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân. Đối với ngành luật dân sự thì cách thức bảo vệ quyền nhân thân quy định tại Mục 2 Chương III Bộ Luật Dân sự 2015
Điều 25 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Quyền nhân thân như sau:
Điều 25. Quyền nhân thân
1. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
2. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 155 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản
Như vậy, có thể hiểu khi quyền nhân thân bị xâm phạm, để bảo vệ quyền nhân thân thì có thể tiến hành khởi kiện.
Quyền bảo vệ quyền nhân thân được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Vì có nhiều quyền nhân thân nên pháp luật quy định nhiều biện pháp khác nhau để việc bảo vệ quyền nhân thân trở nên hiệu quả, đáp ứng được thực tiễn. Có ba biện pháp bảo vệ quyền nhân thân trong ngành luật dân sự là:
+ Tự mình yêu cầu người vi phạm phải chấm dứt hành vi phạm tội, bối thường thiệt hại:
Thông thường trong trường hợp quyền nhân thân của mình bị xâm phạm thì trước hết cá nhân tự tiến hành các hành vi bảo vệ cần thiết, tương xứng với hành vi xâm phạm để chống lại hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của mình, ngăn chặn không cho các hành vi đó tiếp tục xảy ra như trực tiếp cải chính, yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm.
Việc pháp luật quy định cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm tự bảo vệ quyền nhân thân của mình bảo đảm việc bảo vệ quyền nhân thân được tiến hành kịp thời, ngăn chặn được hậu quả xấu có thể xảy ra và giảm nhẹ mâu thuẫn giữa các đương sự, giữ gìn được mối quan hệ bình thường giữa các đương sự. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có hiệu quả khi người vi phạm nhận thức được trách nhiệm của họ.
+ Yêu cầu Tòa án buộc người vi phạm phải chấm dứt hành vi phạm tội hoặc bồi thường thiệt hại:
Trong trường hợp người vi phạm không nhận thức và làm theo yêu cầu thì cần phải có sự hỗ trợ bảo vệ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo đó, cá nhân có quyền nhân thân bị xâm phạm có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật bảo vệ như yêu cầu tổ hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân các cấp, Tòa án, Viện kiểm sát v.v… bảo vệ.
Các cơ quan, tổ chức này căn cứ vào yêu cầu của đương sự, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã được pháp luật quy định tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm như xử lý người có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của cá nhân, buộc họ phải chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.
Các quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước do đó các quyết định liên quan đến việc bảo vệ quyền nhân thâncủa cá nhân của các cơ quan này sẽ được bảo đảm thực hiện trên thực tế.
+ Ngoài ra, cá nhân có quyền tự mình cải chính thông tin liên quan đến quyền nhân thân trên các phương tiện thông tin đại chúng nếu hành vi đó ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, hình ảnh… của mình.
Khi quyền nhân thân bị xâm phạm cá nhân có thể tự lựa chọn áp dụng một hay nhiều biện pháp bảo vệ quyền nhân thân hoặc áp dụng biện pháp bảo vệ quyền nhân thân nào là tùy vào trường hợp cụ thể quyền nhân thân bị xâm phạm. Lựa chọn được biện pháp bảo vệ phù hợp sẽ giúp cho việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân có hiệu quả.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật