Hướng dẫn mức phí thi hành án dân sự
Hướng dẫn về mức phí thi hành án dân sự được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP như sau:
Điều 2. Mức phí thi hành án dân sự
1. Mức thu phí thi hành án thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. Trường hợp người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án, nhưng được nhận tiền, tài sản thì vẫn chịu phí thi hành án theo mức quy định nhưng tối đa không quá 200 triệu VNĐ/01 vụ việc.
2. Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên.
Ví dụ 1:
Có 3 người được chia thừa kế một tài sản có giá trị 500 triệu VNĐ. Người thứ nhất được nhận 20% giá trị tài sản. Người thứ hai được nhận 30% giá trị tài sản. Người thứ ba được nhận 50% giá trị tài sản. Số phí thi hành án phải nộp của từng người theo quy định trên được xác định như sau:
– Xác định tổng số phí thi hành án phải nộp: 3% x 500 triệu VNĐ = 15 triệu VNĐ.
– Xác định số phí thi hành án phải nộp của từng người:
+ Người thứ nhất phải nộp là: 20% x 30 triệu VNĐ = 3 triệu VNĐ.
+ Người thứ hai phải nộp là: 30% x 30 triệu VNĐ = 4.5 triệu VNĐ.
+ Người thứ ba phải nộp là: 50% x 30 triệu VNĐ = 7.5 triệu VNĐ.
Ví dụ 2:
Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 1 tỉ đồng và phải thanh toán cho ông A 400 triệu đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:
Số phí thi hành án ông A phải nộp là: 3% x 400 triệu đồng = 12 triệu đồng;
Số phí thi hành án bà B phải nộp là: 3% x (1000 – 400) triệu đồng = 18 triệu đồng.
3. Đối với những vụ việc người được thi hành án đã có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các đương sự tự nguyện thi hành án thì thực hiện như sau:
a) Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án chưa có quyết định cưỡng chế thi hành ánvà cũng chưa thu được tiền, tài sản để chi trả cho đương sự thì không thu phí thi hành án.
b) Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án và đã có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.
4. Đối với những vụ việc người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án thì thực hiện như sau:
a) Nếu đương sự có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và người được thi hành án từ bỏ nhận tiền, tài sản đã thu được hoặc có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án trước khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì cơ quan thu phí không thu phí thi hành án;
b) Nếu đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, thì người được thi hành án phải nộp 1/3 (một phần ba) số phí thi hành án phải nộp như của trường hợp không rút đơn;
c) Nếu đương sự không có thỏa thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự và việc rút đơn thực hiện sau khi cơ quan thi hành án đã thực hiện xong việc cưỡng chế; cơ quan thi hành án đã thu được tiền, tài sản để chi trả hoặc giao trả cho người được thi hành án, thì cơ quan thu phí vẫn thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư này.
5. Đối với những vụ việc theo bản án, quyết định của Tòa án, người được thi hành án được thi hành hoặc chỉ yêu cầu thi hành án với số tiền, tài sản có giá trị từ 2 lần mức lương tối thiểu trở xuống thì không phải nộp phí thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án yêu cầu thành nhiều lần với tổng số tiền, tài sản có giá trị trên 2 lần mức lương tối thiểu thì phí thi hành án được tính trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản được nhận. Trường hợp này phí thi hành án nộp thành nhiều lần, mỗi lần tương ứng với số tiền, giá trị tài sản được thi hành án tương tự cách tính tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này.
Thư Viện Pháp Luật