Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính về bình ổn giá, trợ giá, trợ cước và hiệp thương giá như thế nào?
Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính về bình ổn giá, trợ giá, trợ cước và hiệp thương giá tại Điều 5, 6, 7 như sau:
Điều 5. Hành vi vi phạm quy định về bình ổn giá
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi chậm báo cáo trong thời hạn dưới 05 ngày làm việc so với yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác bình ổn giá.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chậm báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn từ 05 ngày làm việc đến 10 ngày làm việc.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chậm báo cáo quy định tại Khoản 1 Điều này quá 10 ngày làm việc.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện một trong những biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trích lập không đúng hoặc sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng quy định của pháp luật về giá.
7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không trích lập Quỹ bình ổn giá.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do sử dụng không đúng Quỹ bình ổn giá theo quy định tại Khoản 6 Điều này;
b) Buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá toàn bộ số tiền do trích lập không đúng hoặc không trích lập Quỹ bình ổn giá theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều này.
Điều 6. Hành vi vi phạm chính sách trợ giá, trợ cước
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi khai man, khai khống hồ sơ thanh toán để nhận tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước; hành vi sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng được sử dụng tiền trợ giá, tiền trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền có được do khai man, khai khống hồ sơ thanh toán tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa, thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền do không sử dụng đúng mục đích, đối tượng được sử dụng tiền trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa và các khoản tiền hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước.
Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về hiệp thương giá
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định về giá tạm thời trong hiệp thương giá đã được cơ quan tổ chức hiệp thương giá quyết định:
a) Từ chối mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo giá tạm thời trong hiệp thương giá;
b) Đã thống nhất được giá và thực hiện theo giá thống nhất nhưng không báo cáo với cơ quan tổ chức hiệp thương theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hiệp thương giá theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với hành vi không chấp hành đúng giá do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định Nghị định quy định cụ thể:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, trừ các hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định đối với hành vi vi phạm tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, trong trường hợp khó hoặc không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.”
Thư Viện Pháp Luật