Ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình
Theo quy định của pháp luật, quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thuộc quyền sử dụng chung của tất cả mọi thành viên trong hộ gia đình. Hiện nay khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình tại cơ quan công chứng cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ gia đình. Trường hợp hộ gia đình có thành viên chưa thành niên, hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì cần có sự đồng ý của người giám hộ theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật Dân sự. Yêu cầu này nhằm đảm bảo an toàn cho văn bản công chứng cũng như đảm bảo quyền lợi cho tất cả các thành viên của hộ gia đình.
Lô đất nhà bạn cấp cho hộ gia đình nên khi chuyển nhượng cần có sự đồng ý của các thành viên trong hộ tại thời điểm cấp sổ. Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc xác định thành viên trong hộ gia đình. Nhưng thực tế, các tổ chức công chứng, các văn phòng đăng ký nhà đất đều dựa vào sổ hộ khẩu để xác định chủ thể ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình.
Nếu bạn có tên trong sổ hộ khẩu cùng với bố bạn và tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình mà bạn vẫn chưa chuyển hộ khẩu thì bạn cũng có quyền đối với lô đất đó. Như vậy, bạn là một trong những chủ thế đứng bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất và phải ký vào Hợp đồng chuyển nhượng đó.
Trường hợp bạn đang ở xa không thể về ký Hợp đồng thì có hai cách:
Cách thứ nhất: Hộ gia đình bạn đến tổ chức công chứng nộp hồ sơ yêu cầu công chứng, đồng thời yêu cầu Công chứng viên ký ngoài trụ sở, tức là đến nơi bạn đang công tác để chứng nhận chữ ký của bạn. Khoản 2 Điều 39 Luật Công chứng đã quy định đây là một trong những trường hợp mà việc công chứng có thể thực hiện ngoài trụ sở: “Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”. Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 11/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung liên quan đến công chứng viên, tổ chức và hoạt động công chứng, quản lý nhà nước về công chứng cũng nêu rõ: “Khi thực hiện công chứng ngoài trụ sở, công chứng viên phải ghi rõ lý do và địa điểm công chứng vào văn bản công chứng.” Do vậy, khi yêu cầu công chứng, gia đình bạn cần nêu rõ lý do (có thể ghi do bạn đang làm việc ở xa ...) và địa điểm công chứng.
Cách thứ hai: Bạn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc lập và ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hình thức văn bản ủy quyền được quy định tại Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực, theo đó: “Việc ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được uỷ quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng.” Hiện nay, Luật Công chứng không có quy định này nhưng Công văn số 3298/BTP-BTTP ngày 16/9/2009 của Bộ Tư pháp vẫn yêu cầu: “để đảm bảo an toàn cho các bên tham gia giao dịch, cơ quan chức năng nên hướng dẫn các bên lập hợp đồng ủy quyền để bảo đảm chặt chẽ, tránh rủi ro pháp lý về sau”. Như vậy, đối với trường hợp này, bạn đến tổ chức công chứng nơi bạn đang công tác và yêu cầu lập “Hợp đồng ủy quyền” với nội dung: “người được ủy quyền được thay mặt và nhân danh tôi thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng quyền sử dụng đất ...”. Do đối tượng của Hợp đồng ủy quyền này là công việc phải thực hiện (không phải là quyền sử dụng đất) nên bạn có thể lập ở bất kỳ tổ chức công chứng trên bất kỳ địa bàn nào mà không bị hạn chế bởi quy định về thẩm quyền công chứng theo địa hạt tại khoản 1 Điều 37 Luật Công chứng. Người được bạn ủy quyền sẽ cùng với những thành viên khác trong gia đình làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật