Tạm giữ giấy tờ tài sản để thi hành án
Tạm giữ giấy tờ, tài sản để thi hành án được quy định tại Điều 9 Nghị định 58/2009/NĐ-CP như sau:
Điều 9. Tạm giữ giấy tờ, tài sản để thi hành án
1. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên có thể yêu cầu lực lượng cảnh sát hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ việc tạm giữ giấy tờ, tài sản của đương sự.
2. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải ghi rõ tên người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ; loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ; số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ.
Tài sản tạm giữ là tiền mặt thì phải ghi rõ số lượng tờ, mệnh giá các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số sê ri trên tiền.
Tài sản tạm giữ là kim khí quý, đá quý phải niêm phong trước mặt người bị tạm giữ tài sản hoặc thân nhân của họ. Trường hợp người bị tạm giữ giấy tờ, tài sản hoặc nhân thân của họ không đồng ý chứng kiến việc niêm phong thì phải có mặt của người làm chứng. Trên niêm phong phải ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng và các đặc điểm khác của tài sản đã niêm phong, có chữ ký của Chấp hành viên, người bị tạm giữ hoặc thân nhân của họ hoặc người làm chứng. Việc niêm phong phải ghi vào biên bản tạm giữ tài sản.
Tài sản, giấy tờ tạm giữ được bảo quản theo quy định tại Điều 58 Luật Thi hành án dân sự.
3. Khi trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ, Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận xuất trình các giấy tờ chứng minh là người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc là người được người đó ủy quyền.
Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận kiểm tra về số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của thủ kho cơ quan thi hành án dân sự.
Việc trả lại tài sản, giấy tờ phải lập thành biên bản.
Thư Viện Pháp Luật