Xử lý việc thi hành án chủ động trong trường hợp mẹ nộp tiền thay cho con
1. Về việc Chấp hành viên động viên mẹ A nộp tiền thi hành án:
Việc Chấp hành viên động viên mẹ của A tự nguyện nộp tiền thi hành án cho A là cần thiết nhằm góp phần giảm bớt án dân sự tồn đọng, tạo điều kiện cho A được hưởng chính sách miễn, giảm thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự, cũng như hưởng chính sách đặc xá, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho A. Tuy nhiên, phải xác định rằng A là người phải thi hành án, mẹ của A không phải là người phải thi hành án nên Chấp hành viên không được bắt buộc mẹ A nộp tiền, không được cưỡng chế thi hành án đối với mẹ của A. Trong trường hợp này, Chấp hành viên cần lập biên bản chặt chẽ, ghi nhận cụ thể nội dung tự nguyện cam kết nộp tiền cho A của mẹ A làm cơ sở tiếp tục động viên mẹ A nộp tiền. Khi mẹ A nộp tiền thì cơ quan thi hành án dân sự phải kịp thời thu khoản tiền đó và khi đương sự yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sự cấp giấy xác nhận kết quả để bảo đảm quyền lợi cho đương sự theo quy định tại Điều 53 Luật Thi hành án dân sự.
2. Về cách thức xử lý hồ sơ thi hành án:
Đây là việc thi hành án thuộc loại chủ động thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý việc thi hành án theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. Sau khi ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc. Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án và báo cáo đề xuất, xử lý vụ việc khi có căn cứ hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, miễn, giảm thi hành án.
Trong trường hợp “người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên” (gọi tắt là người phải thi hành án không có tài sản) thì ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự. Đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động thi hành án mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì ít nhất 6 tháng một lần, Chấp hành viên phải thực hiện xác minh điều kiện thi hành án của đương sự; trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án mà đang chấp hành hình phạt tù hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới thì thời hạn xác minh giữa các lần không được quá một năm theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 13/7/2008 của Chính phủ. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành (người phải thi hành có tài sản hoặc có người nào đó nộp tiền thay - trường hợp người khác nộp tiền thay thì phải là việc thực nộp tiền, nếu chỉ cam kết nộp nhưng chưa thực nộp tiền thì chưa có cơ sở coi là người phải thi hành án có điều kiện thi hành) thì căn cứ hoãn thi hành án không còn; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi căn cứ hoãn thi hành án không còn, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.
Quy định về hoãn thi hành án trong trường hợp “người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên” là quy định mới của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 nhằm hạn chế tình trạng Chấp hành viên để tồn đọng án chủ động, không tích cực trong việc xác minh, xử lý hồ sơ thi hành án và góp phần giải quyết việc thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý hồ sơ thi hành án theo từng định kỳ thống kê, báo cáo kết quả thi hành án thuận lợi, cũng như kiểm sát việc thi hành án thường xuyên, chặt chẽ theo từng tháng tổ chức việc thi hành án của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.
Căn cứ quy định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành, trong trường hợp bạn hỏi, A là người phải thi hành án, A đang chấp hành án phạt tù tại trại giam; tài sản riêng không có, tài sản chung không có, không có thu nhập để thi hành án thì có căn cứ xác định A chưa có điều kiện thi hành án. Mặt khác, do mẹ của A cam kết nộp tiền để thực hiện nghĩa vụ cho A nhưng tại thời điểm cam kết chưa nộp, trong khi đó định kỳ hàng tháng cơ quan thi hành án phải thực hiện báo cáo kết quả thống kê thi hành án. Vì thế, những tháng mà mẹ của A chưa nộp (vì ngày 15 của tháng cuối quý mới nộp - tương ứng với việc 03 tháng nộp một lần) thì cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định hoãn thi hành án để thống kê kết quả thi hành án theo tháng quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự (thay thế Quyết định số 02/2006/QĐ-BTP ngày 14/4/2006 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chế độ thống kê thi hành án dân sự). Bởi vậy, trong trường hợp bạn nêu có cơ sở thực hiện hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự.
Việc xử lý hồ sơ thi hành án trong trường hợp bạn hỏi thực hiện như sau: Sau khi xác minh điều kiện thi hành án cho thấy A chưa có điều kiện thi hành án, mẹ của A đồng ý nộp tiền thay cho con vào ngày 15 của tháng cuối quý thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự. Khi mẹ của A nộp tiền thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án, tiến hành thu tiền, báo cáo kết quả thi hành của 03 định kỳ (tháng) đó. Sau khi thu tiền của quý đó (03 tháng), nếu A vẫn không có tài sản thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án, khi mẹ của A nộp tiền thì ra quyết định tiếp tục thi hành án, thu tiền và thực hiện tương tự như lần thứ nhất. Những lần sau cũng thực hiện tương tự như lần thứ nhất và lần thứ hai.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mẹ của A cam kết nộp tiền vào ngày 15 tháng cuối cùng của quý nhưng cũng có thể mẹ của A nộp sớm hơn (ví dụ mẹ của A nộp tiền vào ngày 10 tháng đầu tiên của quý) thì khi mẹ của A nộp tiền, cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án, thu ngay số tiền đó. Trường hợp mẹ của chậm nộp tiền, ví dụ ngày 15 của tháng thứ 15 mới nộp thì khi mẹ A nộp tiền, cơ quan thi hành án mới được ra quyết định tiếp tục thi hành án, thu tiền và báo cáo kết quả thi hành án của 15 tháng đó (báo cáo kết quả theo tháng, quý, năm quy định của Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự tại Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp.
Thư Viện Pháp Luật