Thời hạn xét xử sơ thẩm dân sự
Bạn thân mến, do trong câu hỏi bạn không cung cấp rõ thông tin về nội dung đơn khởi kiện của bạn là về vấn đề gì nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể, chúng tôi dựa trên các quy định pháp luật tố tụng dân sự để tư vấn, trên cơ sở đó, bạn có thể tham chiếu theo trường hợp cụ thể của mình.
Theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì thời điểm thụ lý vụ án được tính kể từ khi người khởi kiện nộp tạm ứng án phí.
Theo quy định tại Điều 179 về thời hạn chuẩn bị xét xử:
1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
2. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tuỳ từng trường hợp, Toà án ra một trong các quyết định sau đây:
a) Công nhận sự thoả thuận của các đương sự;
b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
c) Đình chỉ giải quyết vụ án;
d) Đưa vụ án ra xét xử.
3. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
Điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định như sau:
“Điều 25. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
3. Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
4. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 29 của Bộ luật này.
5. Tranh chấp về thừa kế tài sản.
6. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
7. Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
8. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
9. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
10. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
11. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
12. Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định.”
Điều 27. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
6. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.
Điều 29. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án
1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:
a) Mua bán hàng hoá;
b) Cung ứng dịch vụ;
c) Phân phối;
d) Đại diện, đại lý;
đ) Ký gửi;
e) Thuê, cho thuê, thuê mua;
g) Xây dựng;
h) Tư vấn, kỹ thuật;
i) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;
k) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;
l) Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác;
m) Đầu tư, tài chính, ngân hàng;
n) Bảo hiểm;
o) Thăm dò, khai thác.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
4. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.
“Điều 31. Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết.
3. Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.”
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu vụ án của bạn thuộc trường hợp quy định tại Điều 25 hoặc Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự nêu trên thì thời hạn đưa vụ án ra xét xử là 5 tháng trong trường hợp bình thường hoặc 6 tháng trong trường hợp có lý do chính đáng.
Nếu vụ án của bạn thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 và 31 nêu trên thì thời hạn đưa vụ án ra xét xử là 3 tháng trong trường hợp bình thường hoặc 4 tháng trong trường hợp có lý do chính đáng.
Thư Viện Pháp Luật