Trách nhiệm của gia đình người cai nghiện ma túy được pháp luật quy định như thế nào?
Điều 26 Luật Phòng chống ma túy và Nghị định số 94/2010/NĐ-CP quy định gia đình người cai nghiện ma túy có trách nhiệm sau:
- Khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về người nghiện ma túy trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó;
- Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Chăm sóc, quản lý, theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người cai nghiện ma túy sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có hành vi gây mất trật, an toàn xã hội;
- Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Tổ công tác, cán bộ Tổ công tác được phân công giúp đỡ người cai nghiện trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện ma túy thực hiện kế hoạch cai nghiện, xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm cai nghiện, tái hoà nhập cộng đồng.
Đối chiếu với quy định trên thì việc cha mẹ bạn khi phát hiện ra anh trai bạn nghiện ma túy mà không báo cho chính quyền địa phương là vi phạm pháp luật. Cha mẹ bạn hãy bình tĩnh và sáng suốt giải quyết vấn đề, đừng quá đau khổ, đừng vì sợ mất thể diện mà không dám báo cho cơ quan chức năng. Cha mẹ bạn nên hiểu rằng phải có phác đồ điều trị đối với từng trường hợp nghiện khác nhau và cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ thì công tác cai nghiện mới có hiệu quả. Vì vậy khi phát hiện tình trạng nghiện của anh bạn, gia đình bạn nên kiên quyết lựa chọn và áp dụng hình thức cai nghiện thích hợp, đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ sau cai nghiện. Đó là biện pháp tốt nhất cứu anh trai bạn thoát khỏi thảm họa ma tuý.
Thư Viện Pháp Luật