Thủ tục nhận đơn khởi kiện
Thủ tục nhận đơn khởi kiện quy định tại Điều 167 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn cụ thể và chi tiết tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo LuậtSửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:
Điều 167. Thủ tục nhận đơn khởi kiện
Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:
1. Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
2. Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;
3. Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
Tại Điều 7 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP đã hướng dẫn đó là:
Điều 7. Thủ tục nhận đơn khởi kiện quy định tại Điều 167 của BLTTDS
1. Toà án phải có sổ nhận đơn để ghi ngày tháng năm nhận đơn của đương sự làm căn cứ xác định ngày khởi kiện.
2. Toà án thực hiện thủ tục nhận đơn của người khởi kiện như sau:
a) Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Toà án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 166 của BLTTDS, thì Toà án ghi ngày, tháng, năm người khởi kiện nộp đơn vào sổ nhận đơn. Ngày khởi kiện được xác định là ngày nộp đơn.
b) Trường hợp đương sự gửi đơn đến Toà án qua bưu điện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 166 của BLTTDS, thì Toà án ghi ngày, tháng, năm nhận đơn do bưu điện chuyển đến vào sổ nhận đơn và ngày, tháng, năm đương sự gửi đơn theo ngày, tháng, năm có dấu bưu điện nơi gửi đơn. Phong bì có dấu bưu điện phải được đính kèm đơn khởi kiện. Ngày khởi kiện được xác định là ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện trên phong bì, thì Toà án phải ghi chú trong sổ nhận đơn là “không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện”. Trong trường hợp này, ngày khởi kiện được xác định là ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến.
c) Toà án phải ghi (hoặc đóng dấu nhận đơn có ghi) ngày, tháng, năm nhận đơn vào góc trên bên trái của đơn khởi kiện.
d) Việc giao nhận chứng cứ do đương sự nộp hoặc gửi kèm theo đơn khởi kiện được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
đ) Sau khi nhận đơn khởi kiện, Toà án phải cấp giấy báo nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện; nếu Toà án nhận đơn khởi kiện gửi qua bưu điện, thì Toà án gửi giấy báo nhận đơn khởi kiện để thông báo cho người khởi kiện biết.
3. Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, việc phân công người xem xét đơn khởi kiện được thực hiện như sau:
a. Đối với Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án cấp huyện), thì Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm phân công cho một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện;
b. Đối với Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án cấp tỉnh), thì Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm, Chánh Toà hoặc Phó Chánh toà được Chánh án uỷ quyền phân công cho một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
4. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải có một trong các quyết định sau đây:
a) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình theo quy định tại Điều 171 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị quyết này;
b) Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết. Thủ tục chuyển đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự;
c) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 168 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 8 của Nghị quyết này và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết.
Thư Viện Pháp Luật